Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society, nguyên Thủ tướng Australia Kevin Rudd chủ trì buổi toạ đàm, với sự tham gia của các khách mời là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh và nguyên Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh tại buổi toạ đàm (phải). (Nguồn: ĐSQ) |
Giới thiệu báo cáo của Asia Society, Chủ tịch Kevin Rudd cho rằng đang có những biến đổi và chuyển dịch đáng chú ý tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với sự trỗi dậy và gia tăng cạnh tranh giữa các cường quốc, cùng nhiều thách thức cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống, như Biển Đông, Triều Tiên, biến đổi khí hậu, khủng bố... Điều này đặt ra thách thức cần tăng cường và đổi mới các cấu trúc an ninh khu vực của châu Á – Thái Bình Dương, nhằm bảo đảm được nền hoà bình lâu dài ở khu vực.
Đánh giá cao sự phát triển của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Chủ tịch Kevin Rudd cho rằng trong bối cảnh mới, ASEAN và khu vực cũng cần phải xem xét và đổi mới để có thể đáp ứng được những thay đổi nêu trên. Theo đó, báo cáo của Asia Society đã đưa ra một số đề xuất để các nước khu vực xem xét, trong đó trọng tâm là về cơ chế Cấp cao Đông Á (EAS), có phép EAS vai trò lớn hơn trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp.
Ông Shivshankar Menon, một đồng tác giả của Báo cáo, cho rằng để giải quyết các thách thức mới của khu vực, châu Á – Thái Bình Dương cần một cấu trúc an ninh đủ tin cậy, năng động, cởi mở và chuyên nghiệp hơn, có khả năng ứng phó được với các thách thức bao gồm cả về an ninh hàng hải, an ninh mạng, các vấn đề quân sự và xử lý khủng hoảng.
Chia sẻ ý kiến tại buổi toạ đàm, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh vai trò của các cơ chế khu vực trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác về hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Bài học kinh nghiệm cho thấy, việc xây dựng cấu trúc khu vực ở châu Á – Thái Bình Dương phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với tính đa dạng của khu vực; xây dựng các quy tắc ứng xử ở khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế; tiếp tục củng cố và tăng cường các cơ chế hiện có ở khu vực theo hướng hiệu quả hơn.
Toạ đàm được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society, Washington DC, ngày 2/10. (Nguồn: ĐSQ) |
Bình luận về báo cáo, Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác và xây dựng cấu trúc khu vực, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN trong việc dẫn dắt và tăng cường hiệu quả của EAS, với tư cách là diễn đàn của lãnh đạo cấp cao, bàn về các vấn đề mang tính chiến lược cả về chính trị, an ninh và kinh tế của khu vực.
Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiến chương ASEAN và các Tuyên bố của Cấp cao Đông Á, trong đó có các Tuyên bố Kuala Lumpur thành lập EAS năm 2005, Tuyên bố Hà Nội 2010 và Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về kỷ niệm 5 và 10 năm EAS, Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi ở khu vực, tiếp tục là cơ sở để củng cố và tăng cường các thể chế của ASEAN trong đó có EAS.
Nhân kỷ niệm 50 thành lập, với vai trò trung tâm, ASEAN cần tăng cường hơn nữa đoàn kết, xây dựng cộng đồng và vai trò của mình trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác, vì hoà bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.
Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society, thành lập năm 1956, là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiểu biết và tăng cường quan hệ đối tác giữa người dân, lãnh đạo và các tổ chức của châu Á với Mỹ trên các lĩnh vực chính sách, thương mại, văn hoá, giáo dục và nghệ thuật. Asia Society hiện có chi nhánh tại New York, Houston, Washington DC, Los Angeles, San Francisco và nhiều nơi trên thế giới như Hong Kong, Manila, Mumbai, Seoul, Thượng Hải, Sydney, và Zurich.