Theo đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể về tính chất nguy hiểm của bệnh dại; các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại hiệu quả.
Bên cạnh đó, công khai địa chỉ các cơ sở y tế và hướng dẫn người bị chó cắn đến ngay cơ sở để được xử lý, ngăn ngừa tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, yêu cầu chủ vật nuôi cam kết không thả rông chó, phải đeo rọ mõm cho chó khi đưa ra nơi công cộng, có dây xích và có người dắt, thực hiện tiêm phòng vaccine dại của địa phương.
UBND cấp huyện, xã rà soát, thống kê, quản lý số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn; phối hợp với cơ quan thú y địa phương tổ chức ngay đợt tiêm phòng dại, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo quy định; đối với đàn chó, mèo nuôi tại khu vực có bệnh dại phải được tiêm phòng dại triệt để...
Tiêm vaccine phòng dại là một trong những cách phòng chống bệnh dại trong mùa Hè. (Ảnh: sưu tầm) |
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2015 cả nước ghi nhận hơn 394.000 người bị chó cắn, và đã có 78 người bị tử vong tại 29 tỉnh, thành phố. Trong những tháng đầu năm 2016, đã có 18 người tử vong do bệnh dại tại các tỉnh Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang, Gia Lai, Nghệ An, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Cạn, Tây Ninh.
Nguyên nhân chủ yếu là do đàn chó nuôi không được tiêm phòng bệnh dại triệt để, nhiều nơi tiêm phòng đạt tỷ lệ rất thấp; nhiều người bị chó cắn đã chủ quan không đến các cơ sở y tế tiêm phòng.
Theo số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2015, cả nước có trên 9 triệu con chó nuôi, tuy nhiên chỉ có 3,89 triệu con chó được tiêm phòng (chiếm tỷ lệ 42,9%). Năm 2015, bình quân 1 tỉnh, thành phố có khoảng 6.257 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng y tế.