Trong khi đó, sự kiện Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Madagascar thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.
Tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau
Nhận lời mời của Tổng thống Italy Sergio Matarela và Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Italy từ ngày 21 đến 24/11 và thăm Tòa thánh Vatican ngày 23/11.
Việt Nam và Italy chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu năm 1990 được củng cố và phát triển rõ nét. Italy là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 1990.
Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp Francophonie 15 ở Dakar, Senegal, tháng 11/2014. |
Trả lời phỏng vấn TG&VN trước thềm chuyến đi của Chủ tịch nước, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, kể từ khi hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013 (nhân chuyến thăm Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng), quan hệ và hợp tác giữa hai nước đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, sâu rộng, hiệu quả, ổn định và bền vững. Đáng chú ý, “hai nước đã xây dựng và thực hiện rất hiệu quả Kế hoạch hành động và tích cực triển khai một số cơ chế hợp tác như Đối thoại chiến lược, Đối thoại quốc phòng và Ủy ban hợp tác về kinh tế”.
Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc ở tất cả các cấp, từ trung ương tới địa phương, giữa các bộ ngành, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai nước. Hòa nhịp với đà phát triển của quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư đã có bước phát triển vượt bậc. Hiện Italy là đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong EU, kim ngạch thương mại tăng nhanh trong hai năm trở lại đây, từ 3,4 tỷ USD năm 2013 lên 4,3 tỷ USD năm 2015 và hai bên đang phấn đấu sớm cán mốc 6 tỷ USD cho giai đoạn 2017-2018. Nhiều tập đoàn lớn của Italy đã thực hiện chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn, có được kết quả này một phần là nhờ vào những chính sách khuyến khích đầu tư, thương mại của Chính phủ Việt Nam cũng như việc Chính phủ Italy đã đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên hợp tác về thương mại và đầu tư đến 2020. Doanh nghiệp hai nước đang nỗ lực triển khai hợp tác trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như công nghiệp chế tạo, hạ tầng, năng lượng, các dự án chống biến đổi khí hậu…, đi trước đón đầu những cơ hội mở ra khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU được ký kết và có hiệu lực.
“Có thể nói, Technip (dự án Nhà máy đạm Phú Mỹ), Danieli Officina (sản xuất thép), Piaggio (xe máy, động cơ), Bonfigloli (thiết bị công nghiệp, cơ động), Datalogic (thiết bị đọc mã vạch)... là những minh chứng cho sự thành công của các doanh nghiệp Italy tại Việt Nam” Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn |
Các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa hai nước thường xuyên được tổ chức đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Hai bên tích cực triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác về giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, du lịch… Hơn 80 dự án hợp tác khoa học, hơn 70 dự án hợp tác đào tạo giữa các trường đại học hai nước được triển khai trong thời gian qua đã góp phần tạo ra những nền tảng về nhân lực và khoa học cho sự phát triển của Việt Nam.
“Với những kết quả đạt được thời gian qua, có thể nói, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Italy có ý nghĩa quan trọng. Một lần nữa chúng ta muốn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Italy, mong muốn tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị, và kết nối kinh tế giữa hai nước. Trong chuyến thăm, hai bên sẽ thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể, ký kết nhiều văn kiện hợp tác nhằm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược hai nước ngày càng thực chất hơn, hiệu quả hơn và thiết thực hơn”, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nói.
Về chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết quan hệ Việt Nam và Tòa thánh thời gian qua có bước phát triển tích cực, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc cấp cao và việc duy trì các cơ chế trao đổi thường xuyên giữa Việt Nam và Tòa thánh, trong đó có cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước sẽ có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh Parolin.
“Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới Tòa thánh Vatican nhằm khẳng định chính sách của Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, thể hiện sự quan tâm tới các nhu cầu của đồng bào Công giáo, trên cơ sở thực hiện tốt đường hướng sống Phúc âm trong lòng dân tộc, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, đóng góp thiết thực cho việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Vatican”, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Khẳng định vị thế
Rời Vatican, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ dẫn đầu đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ 16 được tổ chức tại Antananarivo, Madagascar từ ngày 26-27/11.
Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị Cấp cao lần này diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới nói chung và các nước thành viên Pháp ngữ nói riêng, trong đó đa số là các nước đang phát triển, đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như bất ổn, xung đột, chủ nghĩa khủng bố, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, khủng hoảng nhân đạo, di cư…
Tổng thống Italy Giorgio Napolitano (phải) trong buổi họp báo chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau cuộc gặp giữa hai bên tại Cung điện Quirinale ở Rome ngày 21/1/2013. (Nguồn:AFP) |
Hội nghị Cấp cao Francophonie 16 cũng là Hội nghị đầu tiên sau khi Cộng đồng Pháp ngữ bước vào triển khai Khung hành động chiến lược giai đoạn 2015-2022 và Chương trình hợp tác bốn năm giai đoạn 2015-2018. Đây cũng là Hội nghị Cấp cao đầu tiên của Cộng đồng Pháp ngữ sau khi Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua năm 2015.
Trả lời phỏng vấn TG&VN về nội dung đáng chú ý của Hội nghị Cấp cao năm nay, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết Hội nghị có chủ đề “Tăng trưởng đồng đều và phát triển có trách nhiệm: những điều kiện bảo đảm sự ổn định trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ”.
“Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 được mong đợi sẽ là dịp để các nước thành viên thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong không gian Pháp ngữ, về các vấn đề hợp tác về đa dạng ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế, trong đó tập trung vào các nội dung xoay quanh chủ đề của Hội nghị”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.
“Theo thông tin từ Ban Tổ chức, có khoảng 2.000 đại biểu từ 80 Nhà nước và chính quyền thành viên Pháp ngữ và đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU)... Đặc biệt, dự kiến có khoảng 40 Tổng thống, Thủ tướng từ khắp các châu lục sẽ dự Hội nghị, trong đó có Thủ tướng Bỉ, Tổng thống Bờ Biển Ngà, Tổng thống Cameroon, Thủ tướng Canada, Tổng thống Congo, Nhà Vua Morocco, Tổng thống Pháp, Tổng thống Thụy Sỹ, Tổng thống Senegal ...”. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc |
“Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Antananarivo và một số nghị quyết với nội dung chính là đề ra các biện pháp và những cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác và đoàn kết giữa các nước thành viên Pháp ngữ, vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở các nước thành viên và trên thế giới. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 là sự kiện được mong đợi nhất trong năm của Cộng đồng Pháp ngữ”.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam tham gia Hội nghị là nhằm triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp cho các thách thức toàn cầu.
“Đây cũng là dịp Đoàn ta giới thiệu những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tăng cường hợp tác với các nước thành viên Pháp ngữ, nhất là các nước bạn bè ở châu Phi, thúc đẩy những vấn đề ta quan tâm, đồng thời, khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và trên trường quốc tế nói chung”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nói.