TIN LIÊN QUAN | |
Dự thảo tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 | |
Hàn Quốc nâng lương tối thiểu, cam kết hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ |
Thông tin vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra tại Hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam” sáng 13/9 tại Hà Nội.
Lương tối thiểu đang tăng quá nhanh
Theo báo cáo của VEPR, lương tối thiểu tăng ở mức trung bình hàng năm của Việt Nam đạt hai con số trong giai đoạn 2007-2015, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng.
Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng lương tối thiểu cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Cụ thể, tỉ lệ lương tối thiểu trên năng suất lao động tăng nhanh, từ 25% (năm 2007) đạt mức 50% (năm 2015). Xu hướng này không giống các quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia hay Thái Lan. Khoảng cách giữa tăng trưởng lương tối thiểu và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam đang nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Chỉ tính riêng năm 2017, chi phí tối thiểu các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu, được tính bằng tổng lương tối thiểu và đóng góp vào các khoản bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp) gần chạm mức chi phí tại Thái Lan, và cao hơn mức chi phí tại Indonesia.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành báo cáo tại Hội thảo. (Nguồn: VEPR) |
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho hay, trong trường hợp những lợi ích từ các khoản đóng góp này không được nhìn nhận bởi người lao động, khoản đóng góp bảo hiểm khá lớn ở Việt Nam có thể tạo ra những “khoảng trống thuế” giữa chi phí lao động mà doanh nghiệp phải gánh chịu với khoản thu nhập thực tế của người lao động.
Về mối quan hệ giữa lương trung bình và năng suất lao động tại Việt Nam, TS. Thành nhận định, trong giai đoạn 2004 - 2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
“Tăng lương tối thiểu một cách liên tục không liên quan gì đến năng suất lao động, điều này khác hoàn toàn với các nước trong khu vực. Các chuyên gia quốc tế và ngay cả bản thân người nghiên cứu chính sách như chúng tôi tự hỏi Việt Nam có quy luật nào để điều chỉnh lương tối thiểu? Việc tăng lương phải chăng chỉ để thỏa mãn người lao động và phần lớn quần chúng nhân dân nhưng không tính đến những tác động tổng thể của nó đối với năng lực của nền kinh tế”, Viện trưởng Nguyễn Đức Thành đặt vấn đề.
Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên, từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, với mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình tiếp tục kéo dài sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Đặc biệt hậu quả còn cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đánh giá về tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay, TS. Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ nhận định sẽ có nhiều tiêu cực hơn là tích cực. Về góc độ kích thích đầu tư, khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%.
Việc tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tiến Dũng (Viện VEPR), hiện vẫn có khoảng 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, đương nhiên không thuộc phạm vi áp dụng của mức lương tối thiểu vùng, như vậy việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng giữa lao động của các khu vực kinh tế.
Khảo sát khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong các ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy, tăng lương tối thiểu làm giảm việc làm trong các ngành công nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì cắt giảm việc làm nhiều hơn. Về đầu tư máy móc, khi mức lương tối thiểu tăng, các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, sản xuất gỗ, thuỷ sản... cũng đầu tư máy móc để giảm chi phí.
Lương tối thiểu nên tính theo giờ
Theo VEPR, điều chỉnh mức lương tối thiểu phải phù hợp với tăng trưởng năng suất lao động. Hội đồng tiền lương quốc gia nên có sự tham gia của các chuyên gia, có chuyên môn sâu về kinh tế vĩ mô và kinh tế lao động, có khả năng đánh tác động của mức lương tối thiểu đối với việc làm, thu nhập trước/sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Điều này khá phổ biến tại một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Nhật Bản, Indonesia, Malaysia…
Cụ thể, VEPR kiến nghị, thứ nhất, điều chỉnh lương tối thiểu cần được thực hiện phù hợp với tăng trưởng lương tối thiểu.
Thứ hai, hệ thống lương tối thiểu hiện nay chưa áp dụng với người lao động không có hợp đồng lao động, vì vậy, cần phải xem xét các chính sách xã hội bổ sung - áp dụng với nhóm cá nhân không được quy định trong chính sách lương tối thiểu.
Thứ ba, lương tối thiểu nên chuyển sang hệ thống lương tối thiểu theo giờ. Điều này đảm bảo rằng những người làm việc theo giờ hoặc theo ngày đều có thể hưởng đầy đủ các quyền lợi của họ, đồng thời cho phép các nhà tuyển dụng linh hoạt hơn trong việc sử dụng lao động. o Mức lương tối thiểu phải được điều chỉnh theo cách tiếp cận dựa trên quy tắc và do đó có tính minh bạch và có thể dự đoán được.
Thứ tư, nên có sự tham gia của các học giả độc lập vào Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Thứ năm, ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật (không nhất thiết phải thực hiện hàng năm). Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau.
Thứ sáu, Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kết hoạch trung và dài hạn.
Thứ bảy, bản chất phải là cải thiện năng suất lao động. Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn.
Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. (Nguồn: Lao Động) |
TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, từ kinh nghiệm các nước, tăng lương/tăng năng suất lao động của Trung Quốc đáng được lưu tâm bởi điều này giống như Nhật Bản áp dụng từ những năm 60. Việc tăng lương tối thiểu thấp hơn tăng năng suất đảm bảo tích lũy tư bản cho nhà đầu tư tốt hơn, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này giải thích tại sao nền kinh tế Trung Quốc đã và đang thay đổi rất nhanh chóng. Ở Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại, tăng lương cao hơn tăng năng suất khiến các nhà đầu tư giảm tích lũy tư bản, không kích thích được đầu tư.
Chia sẻ quan điểm của mình, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Fujita Yasuo nhận định, Viêt Nam cần chú ý đến cơ chế tiên lượng, điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp. Đơn cử như cần phải xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu và các điều chỉnh phải được lên kế hoạch phù hợp với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, lạm phát và bối cảnh kinh tế. Cách tiếp cận dựa trên các nguyên tắc rõ ràng sẽ làm tăng khả năng dự báo và minh bạch, giúp tránh điều chỉnh mức lương tối thiểu tùy ý, khiến nhà đầu tư và người sử dụng lo ngại.
Cuối cùng, ước tính tác động của tăng lương tối thiểu cần được thực hiện thường xuyên hơn với số liệu cập nhật. Chính phủ cũng có thể phát triển thêm công cụ để giám sát hiệu quả năng suất trong các ngành và khu vực kinh tế khác nhau.
“Nếu không có sự cải thiện vững chắc của năng suất, nỗ lực tăng lương tối thiểu sẽ dần thủ tiêu sức cạnh tranh của nền kinh tế, dẫn tới thất nghiệp nhiều hơn. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần lựa chọn mục tiêu thúc đẩy năng suất như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn. Có thể thành lập một cơ quan đặc biệt chuyên trách sứ mệnh này, từ thay đổi tư duy tới học tập và triển khai các mô hình tăng năng suất trên thế giới như của Nhật Bản, Singapore, Israel”, Trưởng Đại diện JICA góp ý.
Những chính sách có hiệu lực từ đầu năm 2017 Tăng lương tối thiểu vùng, xử phạt xe máy không chính chủ…là những chính sách sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2017. |
Lương tối thiểu vùng tăng 7,3% năm 2017 Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,3% (khoảng 213.000 đồng) vào năm 2017. |
Tăng lương tối thiểu vùng: Đáp ứng 80% mức sống tối thiểu Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 12,4%. mức tăng như vậy ... |