📞

Tăng nhiều giảm ít

17:38 | 18/03/2009
Giá phân bón, rau xanh, cước bưu chính, bất động sản tại một số khu vực và đặc biệt là thức ăn gia súc tăng mạnh. Trong khi đó, dù đã bước vào mùa xây dựng nhưng giá và sức mua vật liệu của ngành này vẫn đứng trước nguy cơ sụt giảm.
Giá phân bón trong nước tăng nhưng chưa biến động lớn.

Giá phân bón thế giới hiện đang có xu hướng tăng, nhất là giá urê tăng nhanh, từ 265-270 USD/tấn lên 330-340 USD/tấn và giá SA tăng từ 120 USD lên 150 USD/tấn. Giá phân bón trong nước cũng tăng, nhưng chưa biến động lớn. Tại đồng bằng sông Cửu Long, giá urê Phú Mỹ đạt mức 6.300-6.400 đồng/kg. Phân bón Trung Quốc cũng khan hàng (do việc tăng thuế từ 75% lên 110%) nên tại các tỉnh phía Bắc, giá urê Trung Quốc ở mức 8.200-8.500 đ/kg, DAP Trung Quốc là 9.100-9.200 đồng/kg.

 

Khó khăn nhất hiện nay là người nuôi gia cầm. Từ đầu năm đến nay, giá gia cầm giảm liên tục, hiện gà công nghiệp chỉ còn 19.500 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 20.000-22.000 đồng/kg. Gà tam hoàng giá bán tại trại cũng giảm còn 24.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên đến 25.000-26.000 đồng/kg... Giá thức ăn chăn nuôi cũng đã tác động mạnh đến người nuôi heo khiến giá heo hơi ở khu vực Đông Nam Bộ đã phải tăng thêm từ 5.000-6.000 đồng/kg, lên 40.000-41.000 đồng/kg.

 

Tốc độ tăng giá mạnh nhất trong tuần qua thuộc về mặt hàng rau xanh. Chỉ sau một tháng rớt giá thảm hại, giá rau xanh lại tăng chóng mặt. Dạo quanh các chợ tại Hà Nội, một mớ rau mùi có giá 2.500 đồng, rau thơm 2.000 đồng. Nếu như tháng trước, rau cải cúc chỉ 500 đồng mớ thì nay là 1.000 đồng; mùng tơi 1.500-2.000 đồng/mớ, đậu xanh 8.000 đồng/kg, su hào đã lên 1.500-2.000 đồng/củ. Nguyên nhân là do rau hết mùa, người dân đang trồng rau cho vụ mới.

 

Cùng đà tăng giá của một số mặt hàng, phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản (thư thường) trong nước, có trọng lượng đến 20 gram đã được phê duyệt. Kể từ ngày 1/5, giá cước của một thư thường trong nước là 2.000 đồng, tăng 2,5 lần so với mức cước hiện tại. Mức giá cước trên không bao gồm thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực trong giai đoạn từ năm 2009-2010.

 

Do chính sách kích cầu của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có những chuyển biến chậm chạp. Tuy nhiên, tại một số khu vực, giá bất động sản đang tăng mạnh. Tại quận 2 và quận 9, TP. Hồ Chí Minh, người dân ào ào mua đất khiến giá đất khu vực này tăng lên đột biến. Các dự án Đông Dương 1, Điền Phúc Thành, Khang An… phường Phú Hữu, quận 9, có giá tương đương nhau, với sàn khoảng 6,5-7 triệu/m2, nay các chủ nền đất đã rao giá bán tăng lên 7,5-8 triệu/m2. Tăng dữ dội có thể nói thuộc về các dự án thuộc khu 174ha và 143ha phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 với giá đất nền tăng từ 2-4 triệu đồng/m2. Các nhà môi giới cho biết, lượng người đi tìm mua nhà đất tăng đột biến là do vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã quyết định bồi thường bổ sung cho các hộ dân bị giải tỏa khu vực Thủ Thiêm với số tiền khá lớn (dự kiến khoảng trên 24.000 tỉ đồng).

 

Ngược lại với sự ấm áp trở lại của thị trường bất động sản, tuy mùa xây dựng đã bắt đầu nhưng sức mua các loạt vật liệu sụt giảm rất mạnh ngay cả khi giá đã giảm đáng kể. Đơn cử gạch ốp lát ceramic đã giảm 30,2%, thép tròn các loại giảm 9%. Tình trạng lượng hàng bán ra giảm mạnh cũng diễn ra với sơn, sàn gỗ, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát… Tuy nhiên, những người kinh doanh vật liệu xây dựng cũng không quá lo ngại về thực trạng này. Theo họ, sự tăng trưởng trở lại của thị trường là rất cao vì nhu cầu xây dựng nhà ở của người Việt Nam còn rất lớn. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên thị trường bị chững lại trong vài tháng nhưng khi kinh tế ổn định, giá cả các loại vật liệu xây dựng hợp lý hơn thì nhiều công trình lớn, nhỏ sẽ được khởi công xây dựng.

 

Cát Phương