📞

Tăng tiềm lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

10:50 | 04/07/2010
Dự án “Phát triển chuỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)" do Chính phủ Italy tài trợ, Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) triển khai thực hiện, với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển trong một số ngành nghề. TG&VN có cuộc trò truyện với ông Lê Quốc Ân- Chủ tịch tập đoàn Dệt May Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - một trong những ngành sẽ được hưởng lợi từ dự án này.

Ý nghĩa của dự án này là gì, thưa ông?

 

Dự án này sẽ xây dựng các chuỗi liên kết các DNNVV của Việt Nam. Tiêu điểm chính là một số ngành nhất định như dệt may, da giày, chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất… đây là những ngành hiện nay có rất đông DNNVV, có lợi thế về xuất khẩu. Dự án này sẽ giúp cho các doanh nghiệp của chúng ta tăng được năng lực cạnh tranh, nhận thêm thông tin, có thêm đầu mối, đặc biết với các đầu mối nước ngoài.

 

Theo tôi, tác động của dự án này đến các doanh nghiệp trong nước sẽ rất lớn vì Việt Nam hiện có đến hơn 80% là DNNVV. Trong khoảng 2.500 doanh nghiệp ngành dệt may và da giày hiện có tới 2.300 DNNVV, chưa kể còn hàng chục ngàn doanh nghiệp mang tính chất hộ gia đình.

 

Ông Lê Quốc Ân

Italia là một thị trường rất phát triển, đặc biệt trong ngành thời trang. Với dự án này thì các doanh nghiệp của chúng ta có học hỏi được gì hay lại trở thành "công xưởng" gia công cho họ?

 

Ngành dệt may Việt Nam đang đi vào chiến lược thời trang hoá, do đó nếu muốn làm được điều này thì chỉ có cách phải tiếp cận với những thị trường thời trang nổi tiếng nhất trên thế giới như Italia. Nếu tiếp cận được với họ thì chúng ta sẽ có điều kiện học tập và giảm dần việc gia công. Chúng ta cũng có thể liên kết thương hiệu với họ để có thể đi vào thị trường trong nước và thị trường xung quanh Việt Nam như ASEAN, mà hiện nay tập đoàn dệt may Việt Nam đang làm.

 

Khó khăn chính là năng lực cán bộ, sự hiểu biết về thị trường, động thái kinh doanh, sự hiểu biết tâm lý văn hoá. Không nên nghĩ mình chỉ có thể khai thác thị trường của họ, điều quan trọng là phải dựa trên nguyên tắc 2 bên đều có lợi. Đây chính là điều mà dự án này sẽ mang lại.

 

Trong khi các DNNVV tự nhóm họp lại với nhau, nhưng thị trường đầu ra lại do các doanh nghiệp lớn thao túng, nếu chúng ta không "lôi kéo" được họ vào thì liệu có gặp phải khó khăn nào không?

 

Một chuỗi gồm 1 doanh nghiệp lớn và nhiều doanh nghiệp nhỏ là một khía cạnh khác. Chương trình này có hỗ trợ việc đó, nhưng điều quan trọng hơn cả là hỗ trợ trực tiếp tìm các đối tác cũng "nho nhỏ" như mình ở Châu Âu. Chẳng hạn, liên kết thiết kế, sản xuất hàng với số lượng nhỏ, nhưng "rất" thời trang phù hợp với thị trường Ý.

 

Theo tôi làm được điều này thì hết sức có lợi, trong khi các doanh nghiệp lớn như Việt Tiến, xuất sang Châu Âu có các đơn hàng thời trang công nghiệp như veston, sơ mi có thể lên đến vài chục ngàn cái, còn với cách làm này chúng ta có thể chỉ xuất vài trăm cái nhưng sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn và phù hợp với năng lực của chính các DNNVV. 

 

Có một thực tế, giá trị gia tăng trong xuất khẩu của ngành dệt may thường không cao. Vậy giá trị thực nằm ở khâu nào thưa ông?

 

Tất cả những đánh giá trên là sai lầm. Theo số liệu Hải quan, năm 2009, xuất khẩu 9,1 tỷ USD, nhập khẩu 7,8 tỷ USD. Từ những số liệu này, nhiều người nhận định việc xuất nhập như trên là không hiệu quả vì giá trị gia tăng không cao. Nhưng trong 7,8 tỷ USD trên còn có các phụ liệu cho ngành da giày là 1 tỷ USD và phục vụ cho tiêu dùng trong nước (khoảng 30%) nhưng chưa được trừ đi. Do đó chỉ còn 4,8 tỷ USD là nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Như vậy chúng ta đã thặng dư trên 4,2 tỷ USD và chiếm 48% kim ngạch xuất khẩu.

 

Vậy đến khi nào chúng ta sẽ không còn phải làm gia công cho các nước?

 

Từ 5 đến 10 năm nữa, chúng ta cố gắng giảm làm gia công mà phải tính đến việc bán sản phẩm. Nhưng khái niệm gia công và nhập khẩu là 2 vấn đề khác nhau, vẫn nhập nhưng không là gia công mà chủ động mua để làm sao đẹp hơn và bán ra với giá trị cao hơn. Chẳng hạn, một chiếc áo sơ mi, hiện nay gia công là 1,5 USD  tiền công; nếu bán FOB và tự nhập nguyên phụ liệu thì có thể bán được 6 USD đến 7 USD; nếu bán với thiết kế do chính mình làm thì có thể bán đến 8 USD. Tức là chuỗi giá trị sẽ được tăng dần lên khi chúng ta tự đầu tư và tổ chức sản xuất.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Việt Nguyễn(thực hiện)