Khắc phục bất lợi về thời tiết, khó khăn về thị trường, nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng dương sau những tháng sụt giảm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, để duy trì đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp rất cần những đột phá về thị trường và thúc đẩy tái cơ cấu những lĩnh vực đang mang lại lợi thế về giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2016, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng 3%. Nửa đầu năm, tốc độ và chất lượng tăng trưởng của ngành giảm sút, nguyên nhân là bị tổn thương và rủi ro trước các thiên tai, sự cố môi trường.
Tuy nhiên, tính đến quý III vừa qua, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi nhưng để đạt mục tiêu đề là một thách thức lớn đối ngành. Trong 9 tháng qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 594.000 tỷ đồng, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2016 khả năng cán đích trên 7 tỉ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, giải pháp để lấy lại đà tăng trưởng là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, trước mắt tập trung vào các mặt hàng có dư địa lớn như chăn nuôi, thủy sản, trong đó chủ yếu là tôm, rau quả và cây công nghiệp.
Đối với chăn nuôi, những tín hiệu thuận lợi về thị trường, giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức thấp và giá bán có lợi cho nông dân, dự báo tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi có thể đạt từ 4% - 5% trong năm nay. Các địa phương sẽ tập trung phát triển cả gia cầm, gia súc, số lượng con giống cũng được chuẩn bị tốt và không có dịch bệnh lớn.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, các doanh nghiệp lớn đã hình thành những Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao đảm bảo chất lượng con giống, đồng thời đa dạng hóa việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ.
“Các Tập đoàn như: Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Cục Chăn nuôi đã đề xuất lãnh đạo Bộ ban hành văn bản yêu cầu Viện Chăn nuôi phối kết hợp thành lập các Viện nghiên cứu trong các Tập đoàn, đến nay các doanh nghiệp này đã hình thành được các Trung tâm nghiên cứu với kinh phí của doanh nghiệp, phần còn lại là kiến nghị cơ chế chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. và thu hút được các tiến bộ tiên tiến hiện đại của thế giới vào lĩnh vực chăn nuôi”, ông Vân thông tin.
Lĩnh vực thủy sản xác định tôm nước lợ là đối tượng chính đã xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó có hướng dẫn kỹ thuật và phương thức nuôi cho các địa phương. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, với tốc độ tăng đàn như hiện hay, từ nay tới cuối năm, sản xuất tôm có thể đạt 660.000 ha để có sản lượng tôm 680.000 tấn. Tình hình xuất khẩu tôm cũng khá tốt, cuối năm có thể đạt trên 3 tỉ USD, kéo theo tổng giá trị xuất khẩu thủy sản khả năng cán đích trên 7 tỉ USD.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng năm 2016 theo giá so sánh 2010 đạt 594.000 tỷ đồng, tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, tính chung 6 tháng đầu năm nay, ngành nông lâm thuỷ sản tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm mạnh so với cùng kỳ khiến nông nghiệp giảm 0,78%. Do đó, dù lâm nghiệp tăng 5,75%, thuỷ sản tăng 1,25% nhưng do nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên không thể bù đắp được sự suy giảm của nông nghiệp kéo suy giảm toàn ngành. Vì thế, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. |
Tuy nhiên, bên cạnh việc tổ chức sản xuất, những giải pháp về thị trường cần được xem xét cụ thể, tránh tình trạng nông sản làm ra nhưng không tiêu thụ được.
“Để bù lại tăng trưởng âm 6 tháng đầu năm, xác định thủy sản có lợi thế nên Bộ tập trung vào chỉ đạo phấn đấu đạt sản lượng khoảng 680.000 tấn. Vấn đề hiện nay không chỉ là phát triển về sản lượng, vấn đề thị trường và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp cần hết sức lưu ý tạo ra những giải pháp đột phá về thị trường mới thúc đẩy sản xuất trong nước. Nếu cứ tăng cung nhưng đầu ra tiêu thụ không giải quyết tốt sẽ lại tạo ra sức ép rất lớn”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ rõ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để lấy lại đà tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng, ngành nông nghiệp cần kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Nhà nước xem xét áp dụng các công cụ chính sách nhằm quản lý rủi ro trong nông nghiệp tốt hơn, và kiến tạo môi trường phát triển doanh nghiệp nông nghiệp.
Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng, cần xây dựng chuỗi giá trị mang tính chất chiến lược, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
“Cần huy động các doanh nghiệp lớn đầu tư tập trung vào một số các tỉnh có lợi thế, tạo ra liên kết vùng, hình thành những vùng chuyên canh nông sản chiến lược. Tại các khu vực đó sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghiệp, thương mại, giao thông để cả Trung ương, địa phương và doanh nghiệp phối hợp đầu tư tạo thành những chuỗi giá trị mạnh, từ đó xây dựng thương hiệu và áp dụng các quy chuẩn góp phần tổ chức lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, cơ cấu lại xuất khẩu tạo uy tín cho nông sản Việt Nam”, ông Sơn đề xuất.
Như vậy, với tín hiệu tích cực từ lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể vượt qua những khó khăn. Về lâu dài, cần chủ động xây dựng những kịch bản dự báo để biến bất lợi thành lợi thế trong ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì tăng trưởng để nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.