📞

Tạo cầu nối giữa báo chí và các tổ chức xã hội

22:28 | 09/03/2017
Ngày 9/3 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Hợp tác hiệu quả giữa các Tổ chức xã hội và báo chí”.

Nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường sự tương tác của các tổ chức xã hội với báo chí ở Việt Nam” do Quỹ Dân chủ Liên hợp quốc (UNDEF) tài trợ, tọa đàm là cơ hội để các ban biên tập, biên tập viên, các phóng viên cùng đại diện các tổ chức xã hội trao đổi kinh nghiệm khai thác các nguồn tin từ các tổ chức xã hội hiệu quả hơn và thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa hai bên.

Tại đây, bà Nguyễn Điệp Hoa – chuyên gia tư vấn truyền thông cho biết, xã hội dân sự (CSO) là các nhóm phi chính thức, các tổ chức cộng đồng, mạng lưới, các hội, hiệp hội, các tổ chức, các quỹ, câu lạc bộ, tổ, nhóm… ngoài nhà nước. Theo ước tính chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ, trong vòng 20 năm, đến nay Việt Nam đã có khoảng 500 hội cấp trung ương, 4.000 hội cấp tỉnh, 10.000 hội cấp huyện xã, 1.800 tổ chức phi chính phủ (NGO), 150 hiệp hội ngành nghề, vài trăm quỹ đang hoạt động tại Việt Nam.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: T.T)

Bà Nguyễn Điệp Hoa cho rằng, báo chí cần coi CSO là một nguồn tin đáng tin cậy vì các CSO thực hiện các hoạt động có mục tiêu xã hội, nhân văn, phi lợi nhuận hình thành trên cơ sở các giá trị nhân văn, đại diện cho lợi ích của những nhóm thiệt thòi mà tiếng nói của họ chưa được lắng nghe trong xã hội. CSO cũng vận động, góp ý chính sách trên cơ sở nghiên cứu, bằng chứng, tham vấn nhóm bị tác động và các bên, hiểu sâu các vấn đề của người dân và các tác động của chính sách đối với người dân.

Tại tọa đàm, các đại diện CSO cùng các phóng viên, biên tập viên đã thẳng thắn trao đổi những rào cản trong việc khai thác thông tin từ hai bên, cũng như đưa ra các giải pháp để hợp tác hiệu quả. Đại diện các báo đều nêu ra một số khó khăn khi tiếp cận thông tin của CSO như lo ngại về tính chính thống hoặc độ tin cậy, thiếu hấp dẫn độc giả, không có sự hiểu biết nhiều về các CSO...

Theo đó, CSO cần chủ động tiếp cận, nâng cao năng lực làm việc với báo chí, cũng như thường xuyên cung cấp thông tin chính xác và hữu ích cho báo chí. Báo chí cũng cần đa dạng hóa nguồn tin, coi CSO là nguồn tin tin cậy, khách quan, cởi mở, cũng như tham gia trực tiếp vào các hoạt động của CSO...

Là diễn giả dẫn dắt cuộc Tọa đàm, ông Vũ Mạnh Cường đến từ Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) đã đưa ra kết luận rằng, để thiết lập cầu nối hiệu quả giữa báo chí và CSO, yếu tố quan trọng nhất chính là nâng cao chất lượng thông tin. Trong khi báo chí nên coi CSO là “mảnh đất  thông tin màu mỡ” cho các bài viết có chiều sâu, các CSO cũng cần chủ động hơn nữa trong việc thiết lập các kênh quan hệ với báo chí, tăng cường truyền thông để hoạt động của mình đến được với báo chí.

Cũng theo ông Cường, để thông tin của CSO trở nên hấp dẫn, các nhà báo cần kể câu chuyện mà độc giả muốn nghe chứ không phải bản thân mình muốn kể, cố gằng tìm hiểu thông tin và đưa thân phận con người vào câu chuyện, hoặc cung cấp những chi tiết mà công chúng không có cơ hội tiếp cận...