Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh chung với Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Milton Dick. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Australia và New Zealand?
Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương Đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIII, đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Với 23 hoạt động tại Australia và gần 20 hoạt động tại New Zealand, chuyến thăm chính thức hai nước đã đạt được nhiều kết quả thực chất, toàn diện, trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu Nhân dân và các trụ cột của quan hệ, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, khoa học công nghệ, viện trợ phát triển; giáo dục đào tạo; quốc phòng an ninh, gìn giữ hoà bình thế giới; quan hệ giữa các địa phương…, mở ra những cơ hội mới để xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động; tăng cường mạnh mẽ hợp tác về giáo dục với hàng chục thỏa thuận hợp tác được ký kết với hai nước.
Đồng thời, cũng mở ra những hợp tác mới trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng công bằng; phát triển xanh, bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, khởi nghiệp.
Đặc biệt, chuyến thăm đã tăng cường sự tin cậy chiến lược ở cấp cao nhất và đây là cơ sở rất quan trọng để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và hai nước trong thời gian tới.
Kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không chỉ ở các lĩnh vực hợp tác song phương, mà còn ở phạm vi khu vực Đông Nam Á-ASEAN và mở rộng ra khu vực Ấn Độ Dương, châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe chụp ảnh chung với các đại biểu. (Nguồn: TTXVN) |
Lãnh đạo hai nước đều coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam và coi quan hệ với Việt Nam là nhân tố ổn định, tích cực trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động phức tạp, khó lường và hai nước đều mong muốn đa dạng hoá quan hệ thương mại, trong đó Việt Nam là một ưu tiên. Hai nước đều kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn và tiếp tục phối hợp cùng tìm giải pháp cho các vấn đề khu vực và quốc tế.
Cả hai nước đón tiếp chủ tịch Quốc hội và đoàn ta trọng thị, chu đáo, thân tình, với nghi lễ truyền thống độc đáo, trao đổi với độ tin cậy cao, thực chất, đồng quan điểm với Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Đây là thuận lợi mới, tạo môi trường chính trị chung thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ với hai nước, cũng như thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước ta.
Chuyến thăm đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cả chính giới, học giả, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Australia và New Zealand cũng như cộng đồng người Việt ở sở tại cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ những kết quả cụ thể đã đạt được, tạo động lực để quan hệ Việt Nam với các nước này sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. (Ảnh: Anh Sơn) |
Xin Thứ trưởng cho biết triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia, cũng như giữa Việt Nam và New Zealand trong thời gian tới?
Chúng ta có thể lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ hợp tác với Australia và với New Zealand trong thời gian tới.
Năm 2023 sẽ là một năm sôi động trong hợp tác của Việt Nam với hai nước.
Với Australia, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó có việc xem xét nâng quan hệ với Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp.
Với New Zealand, hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ vào năm 2025. Đây là thời điểm quan trọng để đề ra tầm nhìn cho 50 năm tới trong quan hệ với hai nước.
Chúng ta sẽ cùng Australia và New Zealand tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, ở cả kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân, đồng thời, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, hợp tác giữa các địa phương, mở thêm đường bay trực tiếp giữa các thành phố lớn của ta với hai nước.
Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại COP26; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, như tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số, cũng như phối hợp chặt chẽ, tích cực trong các vấn đề quốc tế khu vực thuộc quan tâm chung của Việt Nam và Australia, New Zealand, đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương và thế giới nói chung.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!