Ngày 14/5 đã diễn ra các cuộc họp: Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá - Đối thoại APEC về Đô thị hoá Bền vững do Bộ Xây dựng chủ trì; Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) - Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM); Họp Nhóm Adhoc về kinh tế mạng lần thứ 4 (AHSGIE); Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) do Bộ Công Thương chủ trì; Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) Phiên toàn thể do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và Đào tạo quản lý dự án.
Các cuộc họp, hội thảo, đối thoại đã thu hút sự tham gia của đông đảo chính khách, các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Cùng đối phó với thách thức của đô thị hóa
Phát biểu khai mạc Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong tương lai 35 năm nữa, đô thị hóa đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong các nền kinh tế thành viên APEC. Hiện đang có khoảng 1,8 tỷ dân số, khoảng 60% dân số khu vực sống trong đô thị, dự kiến sẽ đạt 77% vào năm 2050. Một số nền kinh tế sẽ đô thị hóa trên 80% trong khi các nền kinh tế khác đang đô thị hóa nhanh chóng. Có tới 14 trên 37 siêu đô thị nằm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nghiên cứu Quan hệ đối tác về phát triển bền vững đô thị trong Vùng APEC đã chỉ rõ Vùng APEC sẽ có nhiều đô thị hơn, đô thị lớn hơn và đô thị xám hơn.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 phát biểu tại Phiên họp Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa - Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững, ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Xu thế đô thị hóa và vai trò gia tăng của đô thị hóa trong phát triển kinh tế xã hội là các vấn đề và thách thức to lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý và phát triển đô thị. Vì vậy, cần phải có các chiến lược và giải pháp đa ngành và liên kết để hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị, giải quyết vấn đề và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. Việc tổ chức Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững chính là sự tiếp nối các sáng kiến từ Tuyên bố Bali (Indonesia) tới các hội nghị APEC tại Philippines, Trung Quốc và Peru.
“Tại Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững hôm nay, Việt Nam mong muốn thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia của các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế liên quan và đẩy mạnh hợp tác, tạo ra động lực mới cho quá trình đô thị hóa bền vững, phù hợp với các tiêu chí của các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, sau 30 năm đổi mới đất nước, Việt Nam đã gắn kết quá trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Khu vực đô thị đã chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Phiên họp Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa - Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững, ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị - nông thôn...và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao. Đây đang là một thách thức rất lớn cho tiến trình phát triển tiếp theo của Việt Nam nói riêng và tôi tin rằng đây cũng là những vấn đề chung đối với các nước đang phát triển trong khu vực APEC”, bà Linh cho hay.
Bà Linh mong muốn Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững sẽ tập trung vào các nội dung chính: Khuôn khổ thể chế, chính sách phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; Liên kết vùng trong phát triển đô thị hướng tới sự bền vững; Phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh. Thông qua kết quả Đối thoại, các khuyến nghị chính sách sẽ được xây dựng chặt chẽ từ các bài trình bày và thảo luận từ các nền kinh tế phát triển APEC.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC và các đại biểu dự Phiên họp Bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hóa - Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững, ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát triển lao động chất lượng cao trong kỷ nguyên kỹ thuật số
Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 2 các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWWG) đã diễn ra Phiên toàn thể.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, châu Á – Thái Bình Dương đã và đang là khu vực năng động với tốc độ phát triển nhanh chóng trong vòng nhiều thập kỷ qua. Khu vực này đang trở thành động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế toàn cầu nhờ vào lực lượng lao động dồi dào có tay nghề cao, đi kèm với những khuôn khổ về thể chế chất lượng và sự hợp tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở nên ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, giữa bối cảnh cả thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang trải qua những thay đổi lớn trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Những ứng dụng trong thời đại công nghệ số, một mặt giúp nâng cao năng suất, xây dựng và phát triển những mô hình kinh doanh mới, những thị trường và cơ hội nghề nghiệp mới song cũng mang lại nhiều thách thức đối với các nền kinh tế và lực lượng lao động. Ví dụ, sự phân nhỏ trong quy trình chế tạo, một vài công việc truyền thống bị mất đi và làm tăng tính dễ bị tổn thương của một vài bộ phận lao động.
Chủ tọa Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
“Chính vì lý do này, nhiệm vụ cấp bách của APEC là thúc đẩy hợp tác khu vực, kết hợp với nghiên cứu, đưa ra đánh giá kịp thời đối với những tác động của kỹ thuật số đối với phát triển nguồn nhân lực, dựa trên những giải pháp đã được đề xuất nhằm tăng cường khả năng thích nghi của lực lượng lao động trong kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Cùng với đó, Đối thoại chính sách cấp cao về “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số” là một diễn đàn nơi đại diện các chính phủ, các đối tác xã hội, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp, đại diện cho người lao động trao đổi quan điểm và đưa ra những sáng kiến nhằm đối phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội do kỹ thuật số và tự động hóa mang lại cho lao động việc làm cũng như đào tạo kỹ năng, các chính sách an sinh xã hội cho những nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh mới.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp kêu gọi Hội nghị về Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) Phiên toàn thể sẽ tập trung thảo luận về khuôn khổ phát triển nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Nếu được thông qua, đây sẽ là văn kiện kết quả của Đối thoại chính sách cấp cao về “Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, mang lại những đóng góp to lớn đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng những đầu việc chất lượng và tạo sự kết nối giữa người dân của các nền kinh tế APEC cũng như góp phần tạo ra một động lực mới trong việc xây dựng liên kết trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện trong thế kỷ 21.
Toàn cảnh Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG), ngày 14/5. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Với chủ đề chính “Dịch chuyển nguồn lực APEC và Kế hoạch tương lai”, Phiên toàn thể Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWWG) sẽ đề cập đến những vấn chính như Cách mạng Công nghệ 4.0 và hệ quả; Việc làm trong tương lai thời đại tự động hoá và chuyên môn hoá; Giáo dục đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các nền kinh tế mới…
Từ ngày 9 - 21/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23).
Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ SOM2 đã diễn ra phiên họp của Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) - Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Hội thảo đã giới thiệu các câu chuyện thành công, triển vọng thực tiễn và cơ hội để phát triển chương trình STEM, đồng thời thảo luận về các góc nhìn để phát triển một môi trường STEM thuận lợi. Hội thảo cũng thảo luận nhiều chủ đề quan trọng: Làm thế nào để xoá bỏ định kiến văn hoá chống lại phụ nữ ở STEM; Những thách thức chính đang cản trở việc thực hiện chương trình STEM trong khu vực cũng như đối với từng quốc gia; Nâng cao và đẩy mạnh của các biện pháp thể chế hỗ trợ phụ nữ trong khoa học và giáo dục đại học. |