📞

Tạo đột phá, lan tỏa từ Vân Đồn

16:33 | 26/04/2018
Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và trình Quốc hội, rất nhiều những ưu đãi vượt trội được đề xuất tại các đặc khu được chọn thí điểm là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Điểm chung của ba đề án phát triển đặc khu kinh tế là các địa phương xin ưu đãi thông qua đề xuất được giữ lại nguồn thu trên địa bàn Tỉnh, để dồn vốn cho phát triển đặc khu kinh tế trong những năm tới. Tuy nhiên, mỗi dự án lại có những đặc điểm riêng, dựa vào đó, các tỉnh tự đề xuất các ưu tiên.

Hơn 1 triệu tỉ đồng xây dựng ba đặc khu

Chẳng hạn, trong đề án phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn gửi đến các bộ, ngành, tỉnh Quảng Ninh đề xuất được giữ lại 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu kinh tế Vân Đồn đến 2030. Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh xin được giữ lại 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm); đồng thời, ngân sách địa phương bổ sung cho đặc khu tối thiểu 1.500 tỷ đồng/năm để phát triển hạ tầng kỹ thuật, và hạ tầng xã hội tại đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Ngoài ra, các ưu đãi bao gồm miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm một nửa trong các năm tiếp theo. Thậm chí, nếu là nhà quản lý, nhà khoa học, hay chuyên gia được miễn thuế tới 10 năm đầu, nhưng không quá 2030. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Nhà đầu tư được thuê đất tối đa 99 năm so với mức tối đa 70 năm hiện tại.

Quy hoạch dự kiến đặc khu kinh tế Vân Đồn. (Nguồn: BQN)

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng được hưởng những ưu đãi thuế xuất nhập khẩu tại khu phi thuế quan, được lưu hành tự do ngoại tệ và có thể làm visa ngay tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. 

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chính sách ưu đãi dành cho đặc khu đã được tính toán, cân nhắc kỹ càng để đảm bảo tính đột phá, vượt trội, cạnh tranh. Mục đích của ba đặc khu là tạo ra hoạt động kinh tế, động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở các đặc khu.

Theo tính toán, nguồn vốn huy động để xây dựng ba đặc khu lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội của cả ba đặc khu, mà trong đó ngân sách chỉ hỗ trợ một phần không nhiều trong số này. Hiện tại, Vân Đồn đề xuất ngân sách hỗ trợ 10%, Phú Quốc 19%, Bắc Vân Phong hơn 30% và các đề xuất này vẫn đang trong quá trình xem xét.

Vân Đồn sẵn sàng trở thành đặc biệt

Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt diễn ra mới đây tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia đã đề nghị: Chính phủ kiên định, kiên trì báo cáo, giải trình với Quốc hội về xây dựng các cơ chế ưu đãi, vượt trội, đảm bảo cạnh tranh cho Đặc khu Vân Đồn theo đúng tinh thần Thông báo số 21 – TB/TW, ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch UBND Tỉnh Nguyễn Đức Long đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về những việc tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc thành lập Đặc khu và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh đối với những nội dung theo các chỉ đạo của Trung ương về Vân Đồn.

Cụ thể, từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn do Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm Trưởng ban; xây dựng Đề án xin ý kiến của các chuyên gia, các bộ, ngành trung ương, các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân; Tỉnh đã chủ động tham gia vào việc xây dựng dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; Tỉnh đã hoàn thiện đề án về Đặc khu Vân Đồn, đang trình Hội đồng thẩm định; kêu gọi được nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào hạ tầng kết nối tại Vân Đồn như đường cao tốc, sân bay, khu dịch vụ phức hợp có casino…

Đặc biệt, Tỉnh đã chủ động chuẩn bị bộ máy hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả cho đặc khu trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết 19, Đề án 25 của Tỉnh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vừa qua; lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực sẵn sàng tham gia Hội đồng nhân dân của Đặc khu.

Liên quan đến công tác quản lý đất đai hiện tại ở Vân Đồn, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Long khẳng định, không có tình trạng sốt đất tại Vân Đồn. Từ năm 2017, tỉnh đã rà soát tất cả các dự án trên địa bàn Vân Đồn và thu hồi 9 dự án nhỏ, lẻ với khoảng 352ha không triển khai.

Tỉnh nghiêm cấm việc chuyển đổi đất rừng, nuôi trồng thủy sản trong thời điểm này. Thời gian qua, xuất hiện một số môi giới đất đến Vân Đồn để tạo “bong bóng” nhà đất, Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, khống chế vấn đề này. Tại Vân Đồn, gần như toàn bộ quy hoạch chi tiết 1/500 đã dừng lại để chờ quy hoạch chung báo cáo Thủ tướng phê duyệt trên tinh thần là khu hành chính-kinh tế đặc biệt.