📞

Tạo hành trang cho phạm nhân được đặc xá hòa nhập cộng đồng

11:50 | 25/08/2011
Theo Bộ Công an, tính đến thời điểm này chỉ có khoảng 4% trường hợp phạm nhân tái phạm (có các hành vi phạm tội) trong tổng số hơn 17.000 trường hợp được đặc xá năm 2010. Nhiều phạm nhân sau khi được đặc xá đã hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Học nghề tại trại giam Nam Hà

Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực lớn của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương - nơi cư trú của các phạm nhân sau khi được đặc xá. Đặc biệt, các trại giam thực hiện hiệu quả việc giáo dục hướng thiện, hướng nghiệp, dạy nghề; phối hợp với địa phương giúp phạm nhân bớt mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

Tính đến thời điểm hiện tại, các trại giam trên toàn quốc đã "chốt” danh sách các phạm nhân được đặc xá trong năm 2011. Hòa trong niềm vui của các phạm nhân thấy tên mình trong danh sách được xét đặc xá lần này là sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ giám thị, giáo dục tại các trại giam. Ngày 24/8/2011 lớp học giảng dạy, tuyên tuyền cho 59 phạm nhân nằm trong danh sách được đặc xá tại trại giam Suối Hai, Ba Vì, TP. Hà Nội đã bước sang ngày học tập thứ 5. Lớp học được mở nhằm bồi dưỡng các kiến thức cho các phạm nhân về pháp luật, nếp sống văn hóa ứng xử, nghị lực sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm, và tái hòa nhập cộng đồng. Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, Đại tá Phạm Quang Khảm, Giám thị trại giam Suối Hai cho biết, lớp học này nhằm cập nhật cho phạm nhân những điều cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ sau khi chấp hành xong hình phạt tù

Là người trực tiếp giám sát, theo dõi cũng như tư vấn hướng nghiệp cho các phạm nhân sau khi ra tù có thể tái hòa nhập cộng đồng, Đại úy Nguyễn Đại Lập, tổ giáo dục phân trại số 1 trại giam Suối Hai có thể coi là "người thầy” đối với 59 phạm nhân. Đại úy Lập cho biết, do trình độ hiểu biết về kiến thức pháp luật, cũng như tuổi tác của các phạm nhân có sự chênh lệch, lại cách biệt với xã hội một thời gian dài nên nhiều phạm nhân cũng có sự "bỡ ngỡ”. Chính vì vậy, cần phải tuyên truyền sâu cho các phạm nhân về các kiến thức pháp luật hiện hành và các kỹ năng để tái hòa nhập cộng đồng. Theo Đại úy Lập, sau khi nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các phạm nhân sau khi ra trại, cán bộ giáo dục sẽ tư vấn cho các phạm nhân về nghề nghiệp sao cho phù hợp với hoàn cảnh, và tình hình thực tế của mỗi phạm nhân.

Để giúp các phạm nhân sau khi được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, bắt đầu từ ngày 22/8, trại giam Thanh Phong, tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt đầu phối hợp với các phòng chức năng Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức 3 lớp học tiền hòa nhập cộng đồng cho trên 200 phạm nhân thuộc các đối tượng được đặc xá lần này và những đối tượng chuẩn bị mãn hạn tù. Theo Phó Giám thị Trại giam Thanh Phong, Đỗ Thanh Sơn, việc mở các lớp học này sẽ nhằm trang bị, và cập nhật cho phạm nhân những điều cơ bản về quyền lợi và nghĩa vụ sau khi chấp hành xong hình phạt tù để có thể nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tái hòa nhập cộng đồng, từ đó lao động tốt để cống hiến cho xã hội.

Là một trong những trại có địa hình khó khăn nhưng trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nghiêm túc các chế độ quy định thi hành án phạt tù, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của người thi hành án, tạo môi trường để họ phấn đấu tiến bộ. Bên cạnh đó, để giúp các phạm nhân tái hòa nhập trại giam Vĩnh Quang mở nhiều lớp dạy nghề cho phạm nhân, phổ biến là các nghề: làm mộc, xây dựng, thủ công truyền thống. Đáng chú ý là mô hình "học nghề của nhau” giữa các phạm nhân. Đại tá Trần Mạnh Hùng Giám thị trại giam Vĩnh Quang cho biết: "Phần lớn phạm nhân ở đây khi ra trại đều học được một nghề để mưu sinh. Nhiều phạm nhân đã làm giàu từ những nghề học tại trại. Điển hình như trường hợp phạm nhân Hưng Vĩnh phạm tội giết người bị kết án 8 năm, nhờ học được nghề xây dựng ra trại anh đã mở công ty riêng. Đến nay công ty của anh cho doanh thu 200 tỷ đồng mỗi năm”.

Theo Đại tá Dương Đức Thắng, Giám thị trại giam Nam Hà, vấn đề dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân nói chung, phạm nhân được đặc xá nói riêng là rất quan trọng. Những năm qua trại đã đặc biệt chú trọng vấn đề này. Trại tổ chức học nghề, dạy nghề cho các phạm nhân từ những nghề thủ công như mỹ nghệ, thuê, may tre đan, sửa chữa điện tử, mộc rèn... cho đến kỹ thuật chăn nuôi. Thông qua các tổ lao động, đích cuối cùng, các phạm nhân đựoc truyền nghề từ những phạm nhân giỏi nghề. Nhiều phạm nhân trong trại có tay nghề không kém bên ngoài xã hội. Có nghề nghiệp, cùng tác phong, ý thức lao động công nghiệp tốt sẽ giúp cho phạm nhân đứng trong các dây chuyền lao động công nghiệp ngoài xã hội...

Liên quan tới vấn đề hậu đặc xá, giúp phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết, tất cả những phạm nhân nếu có nhu cầu vay vốn khi trở về địa phương làm đơn xin vay vốn hỗ trợ sản xuất sẽ được xét duyệt như mọi công dân khác.

Theo Đại Đoàn Kết