TIN LIÊN QUAN | |
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo ông Joe Biden có thể 'phải trả giá' với phát ngôn về Tổng thống Erdogan | |
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Bốn lý do lựa chọn Kamala Harris của ông Joe Biden |
Chính sách đối ngoại dưới thời ông Biden và bà Harris được cho là sẽ không dễ dàng hơn với Trung Quốc. (Nguồn: Reuters) |
Bắc Kinh sẽ không "dễ thở"
Với chính sách đối ngoại mới, các mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước châu Âu sẽ được củng cố thay vì bị xem thường như hiện nay. Các nước đồng minh châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á sẽ được bảo đảm rằng, Mỹ sẽ không rút quân.
Quan hệ với các nước láng giềng như Mexico, Canada và với các quốc gia khu vực Trung Mỹ sẽ được hàn gắn và được nhìn nhận toàn diện hơn là chỉ dưới góc độ nhập cư bất hợp pháp. Ông Biden và bà Harris nhiều khả năng sẽ đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các thể chế đa phương khác.
Với một phụ nữ da màu làm Phó tổng thống Mỹ, các quốc gia châu Phi sẽ không còn bị coi thường và bà Harris, người có mẹ là dân nhập cư gốc Ấn Độ, sẽ trở thành người Mỹ gốc Á có chức vụ cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, giúp củng cố quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự thay đổi chính quyền ở Washington chắc chắn sẽ không giúp Trung Quốc thảnh thơi hơn. Chính quyền Mỹ dưới thời bộ đôi Biden-Harris sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc từ thời Tổng thống Trump, mặc dù "tông giọng" sẽ được cải thiện.
Cả ông Biden và bà Harris đều là những người theo chủ nghĩa truyền thống về chính sách đối ngoại của phe trung-tả thuộc đảng Dân chủ. Cả hai nhân vật này cũng là những người theo chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ, có nhiều khả năng sẽ xây dựng các liên minh đa quốc gia chống lại mối đe dọa từ một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và hiếu chiến.
Chính quyền Biden-Harris sẽ có quan điểm cứng rắn về vấn đề thâm hụt thương mại. Họ sẽ tìm cách khiến cho Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động gián điệp, can thiệp vào bầu cử Mỹ và vi phạm nhân quyền, đồng thời không để cho các cuộc đối thoại giữa các siêu cường biến thành những dòng tweet chửi bới và giận dữ.
Các chuyên gia về Trung Quốc tại một cuộc hội thảo của Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc ở Hong Kong, cũng như các chuyên gia và nhà nghiên cứu Trung Quốc khác đã khá đồng thuận về quan điểm này.
Học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington DC nhận xét: “Đánh giá về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ và thế giới sẽ giống nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bị coi là một mối đe dọa hiện hữu”.
Lingling Wei, phóng viên của tờ Wall Street Journal và là đồng tác giả của cuốn sách mới được xuất bản với tên gọi "Đọ sức giữa các siêu cường: Cuộc chiến giữa Trump và Tập Cận Bình đe dọa gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới", cũng đồng ý với quan điểm này. Ông này nói: “Nếu Biden làm tổng thống, giọng điệu của Mỹ sẽ được cải thiện”.
Di sản của ông Trump?
Một trong những lý do khiến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục duy trì như hiện nay là quan điểm ngày càng tiêu cực của người dân Mỹ đối với Trung Quốc và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Quan điểm này có xu hướng gia tăng bắt đầu từ khi chính quyền Tổng thống Trump lên nắm quyền.
Một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành trong tháng 7/2020 cho thấy, 73% người dân Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc và có 77% có rất ít hoặc không tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm những việc đúng đắn.
Những đánh giá này phần lớn xuất phát từ quan điểm tiêu cực đối với cách Trung Quốc xử lý dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, trong đó 78% người dân Mỹ cho rằng cách xử lý dịch bệnh không tốt lúc ban đầu của Trung Quốc là nguyên nhân khiến dịch bệnh lan rộng trên toàn cầu. Ngày càng nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ, không phải là đối tác.
Quan điểm tiêu cực của người dân Mỹ đối với Trung Quốc là điều mới mẻ, mặc dù góc nhìn này xuất hiện trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Vào thời điểm năm 2011, khi ông Barack Obama đang làm tổng thống nhiệm kỳ đầu, đa số người dân Mỹ có quan điểm tích cực về Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi sau khi ngày càng có nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là một mối đe dọa về kinh tế và là thách thức về quân sự.
Một điều đã thay đổi là thái độ của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, những người trong nhiều năm đã cung cấp cả nền tảng và động lực cho việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung. Mỗi khi quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi, các doanh nghiệp Mỹ luôn được nhờ cậy để xoa dịu căng thẳng, đặc biệt là với các đồng minh thuộc đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ.
Tình hình đến nay đã thay đổi hoàn toàn. Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng lạnh nhạt với Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đã nhiều lần từ chối thực hiện lời hứa sẽ tự do hóa nền kinh tế bị kiểm soát và mở cửa cho nước ngoài cạnh tranh nhiều hơn. Các công ty Mỹ cảm thấy bị thiệt thòi, buộc phải chia sẻ công nghệ và hoàn toàn bị ngăn không được tham gia vào một số ngành quan trọng.
Một doanh nhân người Mỹ làm việc ở Trung Quốc trong 3 thập kỷ đã phàn nàn về việc ông Trump trở thành tổng thống bốc đồng như thế nào trong các vấn đề từ phân biệt chủng tộc, gây chia rẽ, tới miệt thị các nước đồng minh lâu năm. Nhưng ông này cũng phải thừa nhận rằng, ông “rất thích những gì Tổng thống Trump đang làm với Trung Quốc”. Đó là một thái độ phổ biến.
Ngay cả những thành viên của đảng Dân chủ không ưa ông Trump cũng cho rằng, thời gian để Mỹ can dự với Trung Quốc đã hết. Xét ở một số góc độ, chính sách của Tổng thống Trump đang phản ánh sự thất vọng dồn nén từ lâu với Trung Quốc - một đối thủ kinh tế phớt lờ các quy tắc đã được thiết lập.
Kể từ khi Tổng thống Richard Nixon thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1972 cho đến khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, quốc gia này đã mở cửa nền kinh tế và trở nên cực kỳ thịnh vượng.
Năm 2010, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và giờ đây Trung Quốc là đối thủ của Mỹ với tư cách là một cường quốc kinh tế tính theo tổng sản phẩm quốc nội.
Nhưng khi Trung Quốc giàu có hơn thì quốc gia này cũng trở nên cứng rắn hơn. Chính quyền Bắc Kinh đã củng cố quyền kiểm soát của mình, dập tắt mọi bất đồng và tạo ra một hệ thống kinh tế và chính trị mới để cạnh tranh với phương Tây.
Kế hoạch "Made in China 2025" (“Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”) của ông Tập Cận Bình nhằm đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, robot và năng lượng sạch - tất cả đều đe dọa vị thế số một của Mỹ.
Một chính quyền Mỹ dưới thời ông Joe Biden và bà Kamala Harris, nếu thành hiện thực, sẽ phải tiếp nhận một loạt thách thức ở nước ngoài, từ việc có nên khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran đến cách thức đối phó với Triều Tiên và sự bất ổn đang diễn ra ở Syria và Yemen. Nhưng riêng đối với Trung Quốc, một chính quyền mới của đảng Dân chủ tại Washington sẽ có được một sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi về việc cần phải cứng rắn hơn nữa với quốc gia này. Đây có thể là di sản lâu dài nhất mà Tổng thống Trump để lại.
| Bất ngờ thay đổi chiến thuật, Trung Quốc dùng cách gì để ngăn ông Trump tái đắc cử ? TGVN. Việc ông Trump tranh thủ tối đa vấn đề Trung Quốc để tiếp tục làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa đã khiến ... |
| Bầu cử Mỹ: ‘Nhân tố mới’ Kamala Harris sẽ là thách thức lớn đối với ông Trump? TGVN. Công kích – cách mà Tổng thống Donald Trump hay dùng đối với các đối thủ, có thể sẽ phản tác dụng, trước một ... |
| Nhân tố Trung Quốc trong bầu cử Mỹ TGVN. Nhân tố Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Tổng thống Trump trước thềm bầu cử Mỹ. |