Hội nghị có sự tham gia của các diễn giả đến từ Bộ Ngoại giao; Bộ Công thương; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số đơn vị có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: MP) |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ tổ chức Hội nghị tập huấn này nhằm cung cấp thông tin về tình hình triển khai, kết quả đạt được, các cơ hội, thách thức, triển vọng và định hướng tuyên truyền trong thời gian tới xung quanh hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và cộng đồng ASEAN hiện nay.
“Các phóng viên, nhà báo, các cán bộ chuyên trách về thông tin là những người có vai trò quan trọng, đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nhiều mảng thông tin, trong đó có ASEAN và UNESCO”, Thứ trưởng nhận định.
Phần đầu của Hội nghị tập trung vào Chủ đề UNESCO. Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Thủ tướng Chính phủ về UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết Việt Nam đã gia nhập UNESCO từ năm 1951 và đã có 22 danh hiệu của tổ chức này. Những danh hiệu này góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Theo đó, Đại sứ nhấn mạnh Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quản lý và bảo tồn các di sản đã được UNESCO công nhận. Báo chí phải đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ giá trị các di sản, quảng bá thông tin góp phần ngày càng nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay giữ gìn di sản.
Chia sẻ thêm về chủ đề UNESCO, bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết trong năm 2016, Tiểu ban Văn hóa UNESCO Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong việc thực hiện các Công ước như: Công ước 1972 về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước 2003 về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Công ước 1970 về các biện pháp cấm buôn bán, xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa; Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa…
Đồng thời Tiểu ban Văn hóa UNESCO Việt Nam đã trình Chính phủ Nghị định quy định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Ngoài ra, thẩm định nhiều dự án tu bổ di tích, khai quật khảo cổ học tại các khu Di sản thế giới nhằm bảo vệ tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn của các Di sản thế giới…
Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. (Ảnh: MP) |
Liên quan đến các thông tin về Cộng đồng ASEAN, các diễn giả tập trung giới thiệu những thông tin và kiến thức cần thiết về: Kế hoạch tổng thể Cộng đồng văn hóa - Xã hội ASEAN 2025; tình hình an ninh chính trị của ASEAN; thương mại, hàng hóa, dịch vụ khu vực ASEAN; an sinh xã hội trong ASEAN; lao động và việc làm trong ASEAN; hợp tác ASEAN về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng đến trở thành một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất, một khu vực kinh tế cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế ASEAN hiện lớn thứ 3 châu Á, thứ 6 thế giới với GDP là 2,6 ngàn tỷ USD và 622 triệu dân.
“Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 91% biểu thuế và sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu của 98,27% biểu thuế vào năm 2018. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018 sẽ xóa thuế các mặt hàng như: Ô tô nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng ô tô, sắt thép, linh kiện phụ tùng xe máy, rượu bia, xe đạp và phụ tùng, giấy các loại…”, bà Bùi Thùy Anh, đại diện Bộ Công thương khẳng định.