📞

Tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Australia

15:01 | 10/09/2017
Từ ngày 6 - 10/9, quân đội nhiều nước đã tham gia cuộc tập trận “Người bảo vệ Thái Bình Dương” kéo dài 4 ngày tại thành phố Cairns, bang Queensland của Australia. 

Đây là nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Cuộc tập trận được xem là một phần trong thực hiện Sáng kiến An ninh hạt nhân, do cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush phát động năm 2003 với sự tham gia của 105 nước trên khắp thế giới. 

Các nội dung diễn tập gồm có các bài giảng, chương trình huấn luyện trao đổi, tập trận bắn đạn thật, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp đưa ra quyết định nhanh chóng trong trường hợp có sự cố, triển khai các nguồn lực để tiến hành ngăn chặn và nhằm tăng cường năng lực giữa các nước khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương.

Cuộc tập trận bắn đạn thật có sự tham gia của tàu khu trục Hải quân Hoàng gia Australia, HMAS Toowoomba, máy bay  P-3C Orion của Nhật Bản và 1 tàu cảnh sát Queensland với tình huống giả định rằng là các lực lượng theo dõi các tàu tình nghi chở nguyên liệu sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt. 

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne. (Nguồn: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nêu rõ Australia đang có những bước đi nghiêm túc để đảm bảo an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh an ninh khu vực này phải được lưu tâm do đây là nơi có nhiều tuyến đường thương mại quan trọng. 

Theo bà Payne, cuộc tập trận Người bảo vệ Thái Bình Dương 2017 đã gửi đi một thông điệp rõ ràng cho tất cả những đối tượng mưu toan phổ biến vũ khí rằng hoạt động của chúng đang bị giám sát và những nước tham gia Sáng kiến An ninh hạt nhân đã sẵn sàng hành động để ngăn chặn chúng thông qua việc thực thi luật pháp cả trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, bà Payne cũng cho rằng các bên cần nhận thức được chương trình tên lửa đạn đạo hạt nhân của Triều Tiên để biết hậu quả của việc không ngăn chặn được các hoạt động phổ biến vũ khí nguy hiểm này. 

20 nước tham gia cuộc tập trận lần này gồm Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Nga, Anh, Mỹ, Fiji, Malaysia, quần đảo Marshall, Mông Cổ, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan, Vanuatu và Việt Nam. Ấn Độ sẽ theo dõi cuộc tập trận với tư cách là quan sát viên.

(theo Sky News Australia)