📞

Tàu sân bay Anh tới châu Á-Thái Bình Dương: Củng cố thương mại, tìm lại hào quang

Huy Sơn 10:38 | 11/03/2021
TGVN. Đồng hành cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến hải trình tới châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ là nhiều gánh nặng và thách thức.

Đánh dấu sự trở lại

Trong năm nay, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ thực hiện chuyến đi đầu tiên đến châu Á-Thái Bình Dương với tư cách soái hạm của nhóm tấn công tàu sân bay (CSG) số 21 gồm máy bay tiêm kích F-35C, tàu ngầm hạt nhân và nhiều tàu hộ tống của Anh và Mỹ.

Chuyến hải trình này là một lời tuyên bố cho chính sách “xoay trục” về khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Anh sau nhiều thập niên chỉ bó hẹp ở khu vực Bắc Đại Tây Dương. Đồng thời, nó đánh dấu sự trở lại của Hải quân Hoàng gia Anh ở phía Đông kênh đào Suez, đảo ngược chính sách từ bỏ hoạt động ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ năm 1967.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có chuyến hải trình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. (Nguồn: Flickr)

Giới quan sát nhận định việc triển khai và lựa chọn khu vực hoạt động này đã gióng hồi chuông cảnh báo Trung Quốc về những hành động trên biển, đồng thời cho thấy quyết tâm mới của Anh trong mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng trên biển của Hải quân Hoàng gia Anh tại các khu vực ít được quan tâm thời gian qua.

San sẻ gánh nặng với Mỹ

Sau Brexit và Covid-19, London phải đối mặt với sự bất ổn về kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh đó, người dân Anh không khỏi đặt dấu hỏi cho những khoản chi tiêu quốc phòng, cũng như lo sợ nguy cơ gia tăng căng thẳng với đối tác kinh tế lớn là Trung Quốc.

Song thời gian qua, sự nổi lên của vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), Tân Cương, nghi ngờ về các hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc hay hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông cho thấy Trung Quốc cần được kiểm soát. Trong khi đó, nhiều quốc gia ở vành đai Thái Bình Dương dường như đang quá phụ thuộc vào những nỗ lực đơn phương của Mỹ.

Có ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hình thành trục đồng minh gồm Washington-Berlin-Paris và để London ngoài lề. Tuy nhiên, lịch sử đã minh chứng sự hiệu quả, bền vững về hợp tác quốc phòng, tình báo Mỹ-Anh và đã đến lúc “mối quan hệ đặc biệt” này trở nên chặt chẽ hơn dưới thời tân Tổng thống Mỹ.

Dù năng lực hàng hải của Anh ở khu vực hạn chế hơn so với Mỹ, song hoạt động của nhóm tàu sân bay Anh sẽ giúp Mỹ có thêm sự ủng hộ mạnh mẽ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Về mặt bản chất, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales vẫn là những tàu chiến đẳng cấp thế giới, gần đạt đến tầm cỡ các tàu sân bay của Mỹ.

Dù năng lực hàng hải của Anh ở khu vực hạn chế hơn so với Mỹ, song hoạt động của nhóm tàu sân bay Anh sẽ giúp Mỹ có thêm sự ủng hộ mạnh mẽ từ một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Nhóm tàu ​​sân bay sẽ thực thi quyền tự do hàng hải tại một số vùng biển và nhiều khả năng sẽ gặp sự phản đối của Trung Quốc. Ngoài ra, đây có thể là cách Anh nhấn mạnh rằng Hải quân Trung Quốc, ngay cả với kế hoạch tham vọng nhằm xây dựng lực lượng tàu sân bay hùng hậu, chưa thể sánh vai với phương Tây về công nghệ và năng lực tác chiến.

Tìm kiếm đối tác thương mại mới

Tuy nhiên, việc Anh triển khai HMS Queen Elizabeth không chỉ dừng lại ở tái định hình vai trò chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ khi quyết định rời Liên minh châu Âu (EU), Anh đã tìm kiếm các mối quan hệ thương mại mới để tái cân bằng nền kinh tế. Gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) minh chứng cho cách tiếp cận của Anh để bù đắp cho lỗ hổng thương mại với EU, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh nhờ hợp tác với châu Á.

Song điều này sẽ đòi hỏi Anh có vai trò có tính chiến lược hơn trong khu vực với tư cách đối tác thương mại và an ninh đáng tin cậy. Các hoạt động ngoại giao thời gian qua đã dọn đường cho sự xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của London. Việc triển khai lực lượng lần này là một bước quan trọng trong quá trình đó.

Đồng hành cùng tàu sân bay tân tiến 65.000 tấn tới châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay là gánh nặng và thách thức. Đó là đối đầu với một Bắc Kinh đang trỗi dậy, chứng tỏ vai trò đồng minh với Washington, trấn an các quốc gia ở Vành đai Thái Bình Dương qua con đường ngoại giao và dẫn dắt công cuộc tái tạo kinh tế của Vương quốc Anh.

(theo The Diplomat)