TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ châu Âu tìm hiểu chương trình phát triển bền vững Tây Nguyên | |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp giao ban với các tỉnh Tây Nguyên |
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới. Mặt khác, việc phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững sẽ tạo điều kiện thuận lợi, làm nền tảng vững chắc cho nền kinh tế phát triển và ngược lại.
Thuận lợi bước đầu
Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vùng đất này có nguồn tài nguyên nông nghiệp như: đất, nước, khí hậu… rất thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới vào nông nghiệp. Bước đầu, Tây Nguyên đã và đang là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước với nhiều loại nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao như: rau, hoa, quả xứ lạnh, cà phê, chè Ô Long, Sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm…
Điển hình là tỉnh Lâm Đồng đã hình thành nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đang dẫn đầu cả nước về hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Tỉnh có trên 50% diện tích rau, hoa; 25% diện tích chè; 11% diện tích cà phê được ứng dụng công nghệ cao. Nhiều diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Ngày 10/6/2016, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các vị trong Ngoại giao đoàn tham quan mô hình trồng tiêu theo tiêu chuẩn VietGap Thu Thủy, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông |
Là thủ phủ trồng cà phê, Đắk Lắk chiếm 30% diện tích cà phê cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn cà phê nhân/năm. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Đắk Lắk cũng sẽ xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha…
Một địa phương khác trong vùng là tỉnh Kon Tum mới đang dần hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đáng kể có vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông (3.000 ha). Vùng sản xuất cà phê sạch đạt chuẩn Quốc tế mang thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” (500 ha). Vùng chăn nuôi gia súc tập trung và nuôi cá nước ngọt huyện Ia HDrai (quy mô 2.000 ha)...
Cần “cú hích” từ `thể chế
Tuy nhiên, “cũng như các địa phương khác trong cả nước, khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các tỉnh Tây Nguyên cần có nguồn lực, nhất là vốn đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng”, ông Trần Việt Hùng nói.
Về đầu tư, dù Nhà nước đã có sự quan tâm lớn đến khu vực nhưng nguồn vốn đầu tư vào vùng còn hạn chế. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước. Trong khi đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên, ngoài Lâm Đồng, bốn tỉnh còn lại hầu như chưa có các dự án FDI.
Tây Nguyên có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp và 3,2 triệu ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất bazan Tây Nguyên chiếm 74,25% diện tích đất bazan của cả nước (hơn 2 triệu ha). Tây Nguyên có 2,25 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có 13 vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều thác nước hùng vĩ, cảnh quan đẹp và các dân tộc anh em cùng sinh sống với nhiều nét văn hóa độc đáo… là tiềm năng phát triển ngành du lịch. |
Điều đó lý giải tại sao một tỉnh như Lâm Đồng, hiện nay tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 30% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, diện tích áp dụng cũng chỉ chiếm hơn 16% diện tích canh tác. Còn Đắk Lắk, mới có khoảng 15% tổng diện tích cà phê được cấp chứng nhận cà phê chất lượng. Chưa kể đến diện tích cây cà phê bị già cỗi không được tái canh khiến năng suất, chất lượng cà phê giảm theo từng năm. Các tỉnh còn lại trong vùng như: Đắk Nông, Gia Lai hay Kon Tum cũng đã có nhà đầu tư “nhòm ngó” các khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng lại chưa hoặc chậm triển khai do chưa có cơ sở hạ tầng đường điện, nước.
Thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương ở Tây Nguyên vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp, có lúc biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh trong vùng gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.
Vì vậy, tại Hội nghị gặp gỡ Ngoại giao đoàn với các tỉnh Tây Nguyên hồi đầu tháng 6, các đại biểu đều chung nhận định, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vùng Tây Nguyên tất yếu phải có sự thay đổi về thể chế, nhất là liên kết vùng. Ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh, việc hoàn thiện cơ bản thể chế kinh tế vùng với vai trò của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trở thành trung tâm điều tiết sẽ giúp Tây Nguyên cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Cũng chỉ có thông qua liên kết vùng, Tây Nguyên mới phát triển được hạ tầng giao thông và sản xuất, phát triển du lịch và phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực. “Liên kết là xu hướng của thời đại. Các địa phương của các nước trên thế giới cũng đang liên kết lại để tăng cường sức cạnh tranh, tăng sức mạnh của vùng”, ông Valeriu Arteni, Đại sứ Romania nói.
Theo bà Trooster Catharnira Maria, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam thì công nghệ cao rất quan trọng nhưng quan trọng nhất là thể chế. Các bên liên quan là chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân đều có vai trò trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp. “Chúng ta phải xem nông dân, chủ trang trại như là những doanh nghiệp và nhìn nhận đúng vai trò của họ. Ngay từ đầu chúng ta phải đi cùng người trồng trọt, buôn bán, phân phối, tập hợp để các chủ thể này phát triển trong chuỗi giá trị đó”, vị Đại sứ này nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Trà Vinh tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp Ngày 18/6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo ... |
Quảng Ninh muốn hợp tác nông nghiệp công nghệ cao với Israel Trong khuôn khổ chuyến công tác học tập sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Israel, chiều 19/1, Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh ... |