📞

Tây Ninh: Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cường Nguyễn 08:42 | 17/12/2022
Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, các chương trình kích cầu du lịch, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và dần vươn lên khẳng định sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy toàn ngành tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó góp phần tạo nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
Lễ thông xe đường và cầu bến Cây Ổi.

Sau thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2022. Theo báo cáo của Sở VHTT&DL tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch tỉnh nhà đã có sự tăng trưởng khởi sắc với kết quả ấn tượng: khách lưu trú đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 48,5% so cùng kỳ, đạt 51,9% so kế hoạch; khách lữ hành đạt 11.500 lượt, tăng 1.269% so cùng kỳ, đạt 41,1% so kế hoạch; khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt trên 3,3 triệu lượt, tăng 124% so cùng kỳ, tăng 7,4% so kế hoạch; tổng doanh thu du lịch đạt 880 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ, đạt 64,5% so kế hoạch. Đặc biệt, chỉ riêng trong 09 ngày tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Tây Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút khách tham quan với hơn 800.000 lượt khách.

Để đạt được kết quả như trên, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhiều nội dung, kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch, trong đó có chính sách miễn vé tham quan vào cổng KDL núi Bà Đen cho tất cả du khách. Đồng thời, KDL núi Bà Đen còn có thêm nhiều công trình mới được khánh thành và đưa vào hoạt động, tạo thêm điểm nhấn để thu hút du khách đến tham quan.

Công tác xúc tiến, quảng bá cũng được Sở VHTT&DL cùng các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh của tỉnh Tây Ninh đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Không chỉ đổi mới hình thức tuyên truyền, quảng bá, toàn ngành còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quảng bá, số hoá tài liệu quảng bá để đăng trên các hạ tầng mạng và mạng xã hội; tăng cường quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh; phối hợp với các đơn vị lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch, kết nối vào hệ sinh thái du lịch của tỉnh,… Ngoài ra, ngành du lịch cũng phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch.

Định hướng phát triển thời gian tới, tỉnh Tây Ninh xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP; tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên; doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 35.000 tỷ đồng; khách tham quan du lịch giai đoạn 2026-2030 đạt 37 triệu lượt. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, để bứt phá trong chặng đường tới, ngành du lịch tỉnh Tây Ninh sẽ tiếp tục tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, cũng như đẩy mạnh các dự án thu hút đầu tư để KDL núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn KDL cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Du khách tham quan núi Bà Đen.

Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng sẽ chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hạ tầng giao thông. Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án giao thông có tính kết nối như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát,… Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư phát triển du lịch, tỉnh Tây Ninh tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp với chính sách ưu đãi nhất trong đầu tư phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để du khách nắm bắt được những điểm đến mới và thú vị của Tây Ninh.

Đáng chú ý, ngoài núi Bà Đen, Tây Ninh còn có nhiều địa danh độc đáo như Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, cùng cảnh quan thiên nhiên đa dạng và các món ăn đặc trưng như bánh canh Trảng Bàng, bánh tráng phơi sương, bò tơ Tây Ninh,… Vì vậy, tỉnh Tây Ninh định hướng thời gian tới sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái; dịch vụ du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông; du lịch văn hóa - lễ hội; du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử; tận dụng nguồn dư địa để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm nông thôn,…nhằm tạo bước đột phá trong các hoạt động du lịch của tỉnh nhà.

Đồng thời, ngành du lịch Tây Ninh sẽ tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị lữ hành có uy tín để kết nối, quảng bá sản phẩm du lịch tâm linh vốn là thế mạnh của địa phương. Tiếp tục nghiên cứu các xu hướng du lịch trong tương lai để kịp thời xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khuyến khích và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phục vụ du khách như: bãi đỗ xe, khu bán sản phẩm địa phương, ẩm thực, lưu trú, khu vui chơi, giải trí, hàng thủ công mỹ nghệ,… Tập trung tổ chức các lễ hội, các sự kiện văn hóa, thể thao, các hội thảo quốc gia, quốc tế để tìm hiểu, chia sẻ phát triển du lịch.