📞

Tên lửa Storm Shadow của Ukraine đối đầu với radar Nga: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Xuân Sơn 15:06 | 15/05/2023
Liệu radar của Nga có đối phó hiệu quả với tên lửa Storm Shadow mà Anh mới cung cấp cho Ukraine, loại tên lửa thuộc vào hạng nguy hiểm nhất thế giới hiện nay?
Máy bay được nạp tên lửa Storm Shadow. (Nguồn: forces)

Theo tờ CNN, Anh đã cung cấp cho Ukraine nhiều tên lửa hành trình Storm Shadow, vượt qua rào cản trong việc cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa tiên tiến cho Ukraine.

Những tính năng đặc biệt của Storm Shadow

Tên lửa Storm Shadow (tên tiếng Pháp là SCALP-EG) là tên lửa chạy bằng động cơ phản lực có tốc độ Mach 0,8 với tầm bắn tối đa 560 km. Đây là dòng vũ khí được hãng Matra cùng British Aerospace đồng phát triển và được sản xuất bởi công ty MBDA.

Kích cỡ của tên lửa tương đối nhỏ với trọng lượng vào khoảng 1,3 tấn và dùng đầu đạn nặng 450kg (trong khi đó, tên lửa Brahmos của Ấn Độ nặng 2,5 tấn và trang bị đầu đạn nặng 400kg). Storm Shadow có chiều dài 5,1m; khung cánh dài 3m và phần thân có đường kính tối đa 48cm.

Các ưu điểm nổi trội của Storm Shadow gồm công nghệ chống radar tầm nhìn thấp (LO); công nghệ chống tác chiến điện tử (EW); chức năng nhận dạng chính xác mục tiêu; công nghệ điều chỉnh chính xác phát bắn; đầu đạn có sức công phá cao.

Radar trên mặt đất, cũng như radar phòng không được trang bị cho máy bay MiG-31BM, Su-35S, Su-30SM của Nga sẽ khó phát hiện ra Storm Shadow do kích thước tương đối nhỏ của dòng tên lửa này. Vì vậy, việc Storm Shadow có bị truy vết bởi hệ thống kiểm soát không phận A-50 của Nga hay không vẫn là dấu hỏi lớn.

Bên cạnh đó, nhờ công nghệ chống tác chiến điện tử (EW) và công nghệ điều chỉnh chính xác phát bắn nên sau khi được phóng đi, Storm Shadow tự động điều hướng đến mục tiêu bằng cách sử dụng kết hợp INS, GPS và bản đồ địa hình. Nếu tín hiệu GPS bị nhiễu, tên lửa sử dụng bản đồ địa hình để cập nhật vị trí mục tiêu.

Khi đến gần mục tiêu, tên lửa lấy đà bằng cách bay lên cao, rồi mới lao thẳng xuống, đồng thời camera có độ phân giải cao gắn ở đầu mũi sẽ tự động ghi lại khoảnh khắc lao vào đó.

Nếu tên lửa không thể xác định mục tiêu, nó sẽ chuyển hướng đến điểm va chạm được lập trình từ trước để tránh thiệt hại không đáng có. Ngoài ra, khả năng tự xác định và điều hướng mục tiêu còn giúp Storm Shadow miễn nhiễm với hình thức tác chiến điện tử, gây nhiễu sóng của địch.

Đầu đạn BROACH nặng 450kg của Storm Shadow có chức năng xuyên phá lớp phòng thủ tiền tuyến và giúp phe mình an toàn tiến vào boong-ke địch.

Loại tên lửa này có thể dùng để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, chẳng hạn như trung tâm điều khiển, hầm trú ẩn kiên cố, đường băng, nhà cửa, cầu đường, căn cứ phòng không và tàu trong cảng.

Vì là tên lửa tự động nên một khi được phóng đi, thì Storm Shadow không thể tự hủy hay thay đổi thông tin mục tiêu trên hành trình nữa.

Tên lửa trang bị cho các máy bay chiến đấu tiên tiến như Rafale và Eurofighter Typhoon, có thể được lập trình trước khi phóng. Các thông tin lập trình gồm hình ảnh hồng ngoại của mục tiêu, bản đồ địa hình, hệ thống phòng không của đối phương dọc theo tuyến đường…

Tuy nhiên, rất khó để hoàn toàn tích hợp Storm Shadow với các máy bay chiến đấu cũ của không quân Ukraine như Su-24, Su-25 hoặc MiG-29. Trước khi lắp vào bệ phóng, tên lửa cần được lập trình sẵn trên mặt đất. Do đó, việc mất thời gian để lập trình phần nào khiến Storm Shadow trượt mất thời điểm tấn công mục tiêu khi cơ hội đến.

Trạm radar Niobium của Nga. (Nguồn: Twitter)

Sự chuẩn bị đối phó kỹ lưỡng từ Nga

Nhằm ứng phó với công nghệ chống radar tầm nhìn thấp (LO) của Storm Shadow, Nga đã triển khai hệ thống radar chống tàng hình dọc lãnh thổ Ukraine.

Theo tờ Izvestia, lực lượng Nga đang sử dụng radar Niobium ở Ukraine nhằm truy vết máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa MLRS. Ngoài ra, radar có thể phát hiện máy bay không người lái làm bằng vật liệu composite.

Hệ thống radar 103Zh6 Niobium-M là tổ hợp gồm ba radar AESA có các băng tần VHF, UHF, S/X riêng biệt và chúng được thiết kế cùng nằm trong một xe tải chỉ huy và xử lý duy nhất.

Ba radar này có khả năng phối hợp dữ liệu một cách tuần tự với nhau. Hệ thống VHF chịu trách nhiệm dò tìm tín hiệu khởi đầu, chuyển thông tin đó cho radar UHF và tín hiệu lại được nối tiếp cho radar S/X để xác định phương thức xử lí.

Radar VHF có khả năng theo dõi mục tiêu tàng hình như dòng tiêm kích F-22. Còn radar UHF có thể theo dõi mục tiêu được trang bị công nghệ chống radar tầm nhìn thấp (LO) như Storm Shadow.

Hệ thống radar 103Zh6 Niobium-M được cấu tạo từ các thành phần hiện đại, bao gồm trạm quét không phận với tầm hoạt động lên tới bán kính 500km, có thể giám sát hàng trăm đối tượng. Tất cả dữ liệu thu thập được về từ hệ thống này có thể tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh về khu vực không phận liên quan.

Nhờ sở hữu dữ liệu cụ thể về không phận, quân đội có thể xác định nhanh chóng mục tiêu, đặc biệt là các máy bay không người lái (UAV) của địch. Ngoài ra, với những mục tiêu ẩn chứa nguy hiểm, dữ liệu về chúng được tự động gửi đến sở chỉ huy trung tâm và mở đường cho đơn vị phòng không xử lí mục tiêu.

UAV của Ukraine có tương đối ít cơ hội tiếp cận mục tiêu trong không phận Nga. Hơn nữa, vai trò của radar chống tàng hình còn giúp Moscow đánh chặn tốt hơn tên lửa Storm Shadow.

Tuy nhiên, giống như tên lửa HIMARS và bom JDAM-ER, không loại trừ khả năng một số tên lửa Storm Shadow vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga. Trong trường hợp công nghệ chống tác chiến điện tử (EW) của Storm Shadow hoạt động hiệu quả, nó có thể dùng đầu đạn có sức công phá lớn để gây suy yếu lực lượng Moscow.

(theo Eurasian Times)