Hội nghị tổng kết phong trào "Tết Nhân ái" Xuân Quý Mão 2023, ngày 24/2/2023. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị Trung ương, Phong trào Chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, nhà tài trợ cho phong trào...
Phong trào “Tết Nhân ái” được triển khai từ năm 2023 trên cơ sở kế thừa, phát huy kết quả của Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999. Riêng “Tết Nhân ái” 2023, Hội đặt mục tiêu trợ giúp một triệu lượt người, giá trị hoạt động đạt 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, toàn hệ thống Hội đã vận động được hơn 1.175 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền), đạt 196% chỉ tiêu, hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Giá trị hỗ trợ bình quân đạt 449.000 đồng/người.
Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa khẳng định,là năm đầu tiên triển khai nhưng với các yêu cầu và phương thức mới, các cấp Hội đã phát huy được tính sáng tạo, tạo ra sức sống mới cho phong trào. Trung ương Hội đã chỉ đạo điểm tại 10 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam, đảm bảo sự đa dạng các vùng miền, đối tượng được trợ giúp.
“Từ khu vực biên giới xa xôi của miền núi phía Bắc, như xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai, đến các địa danh lịch sử của khu vực phía Nam, như Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hoặc những địa phương bị ảnh bởi thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đông công nhân như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hà Nội....Trung ương đều hỗ trợ nguồn lực động viên các tỉnh, thành phố”, bà Hòa nhấn mạnh.
Theo bà Hòa, nội dung, hình thức tổ chức Tết đều thiết thực, gắn với giá trị văn hóa, truyền thống, tập quán của nhân dân. Điều này tạo nên sự đặc sắc, độc đáo của "Tết Nhân ái" 2023. Có thể kể đến là hoạt động tặng quà và chúc Tết; chuỗi “Chợ Tết Nhân ái”; “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”; cỗ Tết; hoạt động vui Tết… Cùng với đó là sự chuyên nghiệp trong cách thức truyền thông. Với bộ nhận diện truyền thông Tết gồm: Logo Phong trào, phông trang trí sân khấu, mẫu túi quà, phong bao lì xì… các cấp Hội đã thu hút được nguồn lực và đạt được thành tích vượt trội.
Phong trào "Tết Nhân ái" đã tạo được dấu ấn riêng, góp phần lan tỏa rộng khắp tinh thần nhân ái, tạo không khí phấn khởi, vui tươi không chỉ cho người hưởng lợi mà còn truyền cảm hứng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ nói riêng và người tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung.
Tại Hội nghị, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội giai đoạn 2023 – 2027.
Lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết chương trình phối hợp trong tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội giai đoạn 2023 – 2027. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Bà Bùi Thị Hòa khẳng định, việc ký kết Chương trình phối hợp là kết quả của rất nhiều nhiệm kỳ hai tổ chức cùng làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện; là sự đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc chỉ thị 43 (ngày 8.6.2010) của Ban Bí thư và kết luận số 44 ngày 14/11/2022 của Ban Bí Thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43 – CT/TW của Ban Bí Thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Chữ thập đỏ trong tình hình mới.
Ngay sau Lễ ký kết chương trình phối hợp, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn Hội Chữ thập đỏ chủ động, tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của từng địa phương. Giao đầu mối chủ trì tham mưu triển khai thực hiện; đồng thời tăng cường tuyên truyền thông qua Truyền hình Nhân đạo, Tạp chí Nhân đạo và các kênh truyền thông của Hội Chữ thập đỏ.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chữ thập đỏ, công tác nhân đạo; tạo hành lang pháp lý và điều kiện để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đầu mối kết nối, điều phối trong công tác chữ thập đỏ, hoạt động nhân đạo và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo.