Mâm lễ cúng gia tiên trong ngày Tết Thanh minh. (Nguồn: Internet) |
Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh, đến sau ngày lập Xuân 60 ngày. Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về tâm linh của người Việt.
Nguồn gốc của Tết Thanh minh
Tết Thanh minh hay còn gọi là Tiết Thanh minh bắt nguồn từ Trung Quốc diễn ra vào thời điểm Xuân Thu hằng năm. Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa lúc vua Tấn Văn Công gặp loạn lạc và phải bỏ nước lưu vong khắp nơi. Trong thời gian lưu vong này, ông được vị hiền sĩ Giới Tử Thôi hộ tống và hiến kế để trốn nạn, vượt qua bao nhiêu khó khăn trên đường vị hiền sĩ đều dốc lòng bảo vệ vua đến cả cắt phần thịt ở chân mình để cứu vua khỏi chết đói. Mặc dù mang lòng cảm kích nhớ ơn người hiền sĩ này nhưng khi đã giành lại được đất nước ông lại quên mất người đã giúp mình năm xưa.
Thay vì truy cứu nhà vua Giới Tử Thôi cùng mẹ rút về trên núi Điềm Sơn ở ẩn và mặc kệ đồ vật ban thưởng của nhà vua. Trong lúc tức giận nhà vua đã vô tình đốt cháy cả rừng khiến hai mẹ con Giới Tử Thôi chết cháy, khi biết người mình mang ơn đã mất vua vô cùng đau buồn và ban lệnh cả nước phải kiêng đốt lửa và chỉ ăn đồ nguội trong 3 ngày (3/3 - 5/3 Âm lịch) để tưởng nhớ công lao của Giới Tử Thôi. Từ đó ngày 3/3 Âm lịch hàng năm được lấy là ngày Tết Hàn thực, đây cũng là 1 ngày thuộc Tết Thanh minh để tưởng nhớ người đã khuất.
Ngoài tục Hàn Thực, vào những ngày đầu tháng 3 còn có hội đạp thanh hay còn gọi là hội giẫm cỏ. Đây là lễ hội cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc trong dịp này, nam nữ sắm sửa cho mình quần áo đẹp để cùng đi chơi Xuân. Hiện nay ở Việt Nam không còn lưu truyền lễ hội này nữa nhưng vẫn chúng ta vẫn biết đến trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
"Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh,
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân,
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm"
Qua câu thơ trên, phần lớn mọi người nhớ rằng Tết Thanh minh diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, người ta tính các tiết khí theo lịch dương. Theo đó, Tết Thanh minh 2022 nhằm vào thứ Ba ngày 5/4 Dương lịch, tức ngày 5/3 Âm lịch.
Ý nghĩa của Tết Thanh minh
Tết Thanh minh mặc dù không phải là ngày lễ Tết lớn trong năm nhưng lại mang đậm nét đẹp văn hóa của người Việt. Tết thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, để sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn.
Không khí các nghĩa trang trong dịp Thanh minh thường nhộn nhịp vì cả trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết phần mộ tổ tiên, học hỏi về lòng kính ngưỡng gia tiên và cách thực hành các nghi lễ truyền thống. Những người sống xa quê thường thu xếp về tảo mộ, không nhất thiết phải về đúng ngày mà có thể chọn bất kỳ ngày nào trong dịp này.
Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong dịp Thanh minh qua giúp sửa sang, quét tước cho những nấm mồ vô chủ hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Khi thắp hương cho mộ phần gia tộc mình, mọi người thường thắp cho mỗi ngôi mộ xung quanh một nén hương.
Sắm lễ Tết Thanh minh
Sắm lễ thường gồm:
+ Thịt, gà, rượu, giò chả.
+ Mâm cơm cúng đầy đủ gồm xôi, gà, canh măng, miến xào.
+ Hương, hoa, đèn, trầu cau, tiền vàng, hoa quả.
Lưu ý trong Tết Thanh minh
Ở ngoài mộ
Lễ Tết Thanh minh được tiến hành như sau: Dọn dẹp mộ phần, lên hương, dâng lễ, mời rượu, khấn vái, hóa vàng mã.
Trước khi tu sửa dọn dẹp mộ phần, nên thắp hương khấn gia tiên để xin phép. Chú ý phát quang cỏ rậm, nhổ bỏ cỏ dại, đắp bồi thêm đất, trồng thêm hoa tươi, quét dọn khu vực xung quanh thật sạch sẽ, quang quẻ. Trái cây và hoa dâng lên phải tươi mới, số lượng phải là số lẻ. Sau khi hương cháy được khoảng 2/3 thì lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà để làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.
Ở tại gia
Cúng lễ Tết Thanh minh tại gia cần lưu ý: Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là bàn thờ gia tiên. Chuẩn bị mâm cỗ sẵn ở nhà để tiến hành cúng sau khi đã Thanh minh tại mộ. Thắp hương khấn vái tương tự như các tục cúng khác. Cần thành tâm và giữ thái độ trang trọng khi làm lễ để thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.
Lưu ý: Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo giải trí!