📞

Tết Trung thu mùa Covid-19: Mảnh trăng khuyết của ngày đoàn viên

Phương Linh 09:36 | 21/09/2021
Một Tết Trung thu không tụ tập rước đèn, không quây quần phá cỗ và những nụ cười cũng phải dấu sau lớp khẩu trang. Nhưng, điều nghiệt ngã hơn của đại dịch Covid-19 là khiến cho ngày đoàn viên của nhiều gia đình không còn được trọn vẹn.

Những mảnh trăng khuyết

Tết Trung thu trong phong tục của người Việt mang một ý nghĩa đặc biệt về gia đình - đó là sự biết ơn, báo hiếu của tình thân hữu, là dịp các thành viên trong gia đình đoàn tụ bên mâm cỗ. Con cái đi làm xa xôi trở về thăm ông bà, cha mẹ.

Không chỉ vậy, Trung thu còn được coi như một ngày Tết của trẻ em bởi bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp xa xưa, là dịp mà vụ mùa vừa trôi qua, người ta được ngơi nghỉ, được ăn mừng mùa màng bội thu và chuẩn bị cho vụ Đông sắp tới.

Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có những trẻ em chịu nhiều mất mát. (Nguồn: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh)

Trong những ngày nông nhàn ấy, giữa tiết trời Thu trong trẻo, các bậc làm cha làm mẹ cũng muốn gom góp những điều tốt lành nhất cho những đứa con thơ. Vài chiếc kẹo, cái bánh, những chiếc đèn ông sao giản đơn nhưng tỏa sáng lung linh trong đêm trăng rằm.

Trung thu trong quan niệm xưa là vậy, cái gì cũng phải tròn đầy, từ mâm cỗ, ánh trăng đến niềm vui của những đứa trẻ và niềm hạnh phúc của gia đình đoàn viên.

Năm nay lại là một Trung thu đặc biệt. Đại dịch Covid-19 diễn biến rộng và phức tạp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, mỗi ngày có hàng nghìn người trở thành bệnh nhân F0 và đối tượng F1. Các địa phương siết chặt các chỉ thị giãn cách xã hội, không được ra khỏi thành phố, nhiều người cũng vì vậy mà không thể trở về với gia đình.

Đại dịch còn khiến nhiều trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hay người thân chăm sóc do cha mẹ hoặc chính các em phải điều trị, cách ly phòng chống lây nhiễm. Đau lòng hơn, nhiều em đã thành trẻ mồ côi cha hoặc mẹ vì sự khắc nghiệt của đại dịch.

Theo số liệu báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh vào ngày 14/9, chỉ riêng trên địa bàn Thành phố đã có hơn 1.500 em học sinh rơi vào cảnh mồ côi vì mất đi cha, mẹ hoặc người bảo trợ. Một con số khiến mọi người không khỏi xót xa.

Những câu chuyện đau lòng của các em và các gia đình không may nhiễm bệnh hay qua đời vì Covid-19 đã lấy đi rất nhiều nước mắt của mọi người.

Những cô bé, cậu bé vẫn còn trong lứa tuổi học sinh, chỉ mới nghĩ đến việc ăn và học, thế nhưng các em đã phải làm quen với cách tự làm một trụ cột gia đình, tự lo liệu cho tương lai của chính mình và cả những đứa em.

Khi được hỏi về những điều nuối tiếc nhất, các em đều rơm rớm nước mắt và cho biết đó là chưa được chia sẻ nhiều hơn với gia đình trong quãng thời gian trước đó. Và cũng bởi vậy, Trung thu năm nay sẽ là cái Tết buồn và cô đơn nhất của các em.

Trải qua quãng thời gian dịch bệnh và được nghe kể về những số phận như vậy, nhiều người sẽ càng trân trọng hơn giây phút được ở bên cạnh gia đình, người thân.

Diệu Linh, sinh viên đại học Ngoại thương đang mắc kẹt ở Hà Nội chia sẻ: “Ngày trước Trung thu luôn than vãn vì không được đi chơi, Trung thu năm nay chỉ ước được trở về nhà".

Hay như em Thiện Nhân (8 tuổi) khi được hỏi về mong ước vào ngày Trung thu cũng chỉ thủ thỉ: “Con cũng thích đi phá cỗ với các bạn nhưng con thích nhất là chị Hoa (chị cả) được về nhà với con!”.

Trung thu này, có lẽ không ánh trăng nào đẹp hơn tình cảm gia đình, cũng không món quà nào quý giá hơn là sự mạnh khỏe và gia đình đoàn viên.

Dang rộng vòng tay ấm áp

Với mục đích mang lại nụ cười, niềm vui đến cho các bệnh nhân, đặc biệt là các em nhỏ vào ngày Tết đoàn viên, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã có những phần quà nhỏ tặng nhân dịp Tết Trung thu.

Ngày 15/9, Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1 tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi Trung thu nho nhỏ tại khu vực điều trị bệnh nhân nặng (ICU) trực thuộc bệnh viện với mong muốn thấu hiểu, động viên và khích lệ tinh thần của bệnh nhân, nhất là các em nhỏ. 270 phần quà cùng các tiết mục văn nghệ đã giúp xua tan sự buồn bã nơi bệnh viện và nỗi nhớ người thân.

Trước đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam cũng phối hợp triển khai tặng 5.000 phần quà Trung thu cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Những món quà này không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà nó còn mang giá trị tinh thần, góp phần giải tỏa tâm lý và thể hiện được tình yêu thương của cộng đồng dành cho các em, để các em luôn vững tin vượt qua khó khăn do đại dịch.

Các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 được tặng quà Trung thu. (Nguồn: Thành ủy TP. Hồ Chí Minh)

Không chỉ vậy, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân cũng đang sẵn sàng dang rộng vòng tay, tặng những món quà “lâu dài và bền vững” hơn cho các em.

Theo đó, Hội đồng Đội TP. Hồ Chí Minh phát động các chương trình tài trợ học bổng cho các em mồ côi do dịch Covid-19 cho đến hết cấp ba.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có quyết định hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi trẻ mồ côi cha mẹ, trẻ có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do dịch Covid-19 từ ngày 27/4 - 31/12/2021.

Trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được sinh ra từ ngày 27/4 - 31/12/2021 cũng được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi trẻ.

Ngoài ra, theo Nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng với mức 900.000 đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540.000 đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên, đồng thời được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc việc học đến năm 22 tuổi.

Có thể thấy, những mất mát, tổn thương mà các em và các gia đình phải gánh chịu do sự khắc nghiệt của dịch Covid-19 là điều khó có thể bù đắp hết được. Nhưng với sự tương trợ giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội và sự đoàn kết cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh, mong rằng trong tương lai, sẽ không còn những em bé bất hạnh mồ côi và ngày nào cũng sẽ là ngày đoàn viên.