Hữu Ngọc: Tôi nhớ mang máng Từ điển Tiếng Việt định nghĩa stress là những rối loạn tâm sinh lý đột ngột do nhiều nguyên nhân khác nhau như “sốc”, xúc động mạnh, lao lực quá sức... Tết ở ta với những hoạt động dồn dập gây stress như thanh toán nợ nần, kiếm tiền gấp, du lịch chớp nhoáng, lo sắm Tết, cờ bạc, tiệc tùng, ăn chơi xả láng… Hình như từ những năm 1970, ở Mỹ đã báo động stress, vì thấy tử vong cao do bệnh tim mạch, do cuộc sống công nghiệp phát triển căng thẳng.
Vũ Văn Dzi: BS H.Selye người Canada đã tìm ra cơ chế của hiện tượng stress và ông đã chính thức sử dụng từ stress. Stress là tai họa. Vậy mà một số doanh nghiệp Pháp đã từng cho là nên khai thác khía cạnh “tích cực” của stress, gây stress, tức là gây phấn chấn để có không khí thi đua, lợi dụng bản năng hiếu thắng của con người để đẩy mạnh sản xuất. Nhưng mặt trái là gây lo âu, căn thẳng vì sợ thất bại. Thể nghiệm ấy không ổn. Vào cuối thế kỉ XX, 28% dân châu Âu tự nhận bị stress. Mỗi khi cơ thể phải đối phó với stress dài, hệ thống nội tiết gồm các hạch như thượng thận tiết ra hoóc-môn như cortisol, adrenaline gây ra bệnh tật. Đặc biệt vào dịp Tết, nhịp sống càng căng khiến stress càng tăng.
Hữu Ngọc: Anh vừa nói một số nội tiết tố tạo nên stress?
Vũ Văn Dzi: Trong số đó có cortisol. Bình thường, chất này là một loại hoóc-môn tốt cần cho cơ thể, nhưng nếu những hạch thượng thận bị kích thích kéo dài thì sẽ gây ra cao huyết áp, đau tim, tai biến mạch máu não. Cortisol lên cao cũng làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu. Khi stress kéo dài, các tế bào miễn dịch giảm sút, không chống nổi cảm, cúm, bệnh nhiễm trùng.
Hữu Ngọc: Hẳn stress còn gây ra nhiều tai họa khác?
Vũ Văn Dzi: Đúng như thế, stress còn gây ra viêm dẫn đến các bệnh kinh niên như tiểu đường, đau tim, sâu chân răng, đau lưng, viêm khớp. Nó ảnh hưởng đến cả hệ thống tiêu hóa như làm tăng chất vị toan acid dẫn đến loét bao tử như viêm ruột. Sau cùng, stress là nguyên nhân chính của trầm cảm mà 60% dân Mỹ mắc phải, có thể dẫn đến bạo hành trong gia đình xã hội, cướp bóc giết người…
Hữu Ngọc: Ngày Tết, ta có tục mừng tuổi. Ông bác sĩ ơi, ông có thể mừng tuổi cho mọi người chúng tôi một phương pháp để phòng chống stress khi bước vào năm mới?
Vũ Văn Dzi: Bệnh kinh niên, nên cần lâu dài và kiên nhẫn. Tốt nhất là thể dục vì nó làm tăng chất endorphin trong não, chống viêm, giảm đau, làm thần kinh khoan khoái. Lý do: khi bị stress, có thể chống lại bằng cách tiết ra các nội tiết như cortisol, adrénaline (thuyết của Cannon). Nhưng trong thế giới ngày nay, phản ứng này bị dồn nén, gây ra bệnh. Tập thể dục sẽ giải thoát cho phản ứng này và làm cho mạch máu giản nở, hạ huyết áp... Nó làm giảm mức cortisol và adrénaline trong máu, tránh được suy nhược thần kinh. Đi bộ hay chạy là tốt nhất, ngày từ 20 đến 45 phút, nhiều hơn càng tốt nhưng cũng tùy sức. Thứ hai là vệ sinh giấc ngủ. giấc ngủ lấy lại sức tiêu hao ban ngày. Thứ ba là tĩnh tâm khiến giảm stress, hạ huyết áp, nhịp thở, nhịp tim chậm lại, giảm các nội tiết gây ra stress. Tập yoga của Ấn Độ rất hiệu quả nhưng phải kiên trì, trong đó thở sâu là rất tốt.
Hữu Ngọc: Tôi xin mừng tuổi thêm bằng bài văn vần của ông bạn quá cố BS. Nguyễn Khắc Viện:
“Thót bụng thở ra
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm nhẹ sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Lúc gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Lúc nào cũng hay.”
Thở sâu cũng là điểm máu chốt của các phương pháp dưỡng sinh. Còn nhớ có lần, ông Viện cười bảo tôi: “Tất cả những gì tôi làm, còn lại ích lợi lâu dài nhất hẳn là mấy câu thơ ấy.”