Nhỏ Bình thường Lớn

Thách thức chờ tân tổng thống Mỹ

Kể từ khi Barack Obama chưa chào đời, chưa tổng thống Mỹ nào tiếp nhận Nhà Trắng với núi thách thức khổng lồ đến thế. Các sử gia sánh các khó khăn hiện nay với thời điểm Abraham Lincoln nhậm chức khi nước Mỹ sa vào nội chiến, hay khi Franklin D. Roosevelt đến Washington giữa Đại khủng hoảng.

Những nhiệm vụ trước mắt chờ tổng thống đắc cử Mỹ Obama không vĩ đại đến mức đó, nhưng sự so sánh trên vẫn được đặt ra ngay cả giữa lúc những người Dân chủ đang ăn mừng thắng lợi. Trên đôi vai của thượng nghị sĩ một nhiệm kỳ 47 tuổi nhiều nhiệt huyết và ít kinh nghiệm giờ đây sẽ phải gánh nhiệm vụ tiến hành hai cuộc chiến tranh, bảo vệ đất nước trước nạn khủng bố, và vá víu lại nền kinh tế đang tan nát.

Trước mức độ của các vấn đề này, Obama chẳng còn cách nào khác là "xắn tay lên mà dọn đống hỗn độn" - như lời của Leon Panetta, cựu phụ trách nhân sự phủ tổng thống Mỹ và đang làm cố vấn cho đội ngũ nhân viên thời kỳ chuyển tiếp cho Obama.

"Tốt hơn là anh nên xông vào đống công việc trước mắt, bởi nếu anh nghĩ có thể trì hoãn những quyết định khó khăn và nhón chân lủi ra sân sau, anh sẽ gặp vô vàn rắc rối", Panetta nói. "Hãy đưa ra những quyết định mạnh bạo".

Obama sẽ đưa ra những quyết định như thế nào? Liệu ông sẽ sử dụng lợi thế chính trị và hành động một cách táo bạo; hay ông sẽ thận trọng và thực thi những yêu cầu của đảng Dân chủ? Những gì ông thể hiện trong chiến dịch tranh cử dài và khắc nghiệt vừa qua cho thấy đây là một con người có sự điềm tĩnh và tự tin đáng nể trong những hoàn cảnh phải chịu nhiều áp lực, nhưng cũng hiếm khi đi chệch khỏi con đường đầy thận trọng mà ông đã vạch ra.

"Điều đó khiến người ta đặt câu hỏi liệu ông ấy có tiếp cận các vấn đề theo cách thụ động hay không", John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc thời tổng thống Bush, nói. "Sau những câu chuyện về nền ngoại giao cao bồi của chính quyền Bush, thì một nước Mỹ thụ động cũng không phải là cái mà người ta muốn đâu".

Các cố vấn của Obama thì khẳng định rằng ông sẽ không thụ động, mà sẽ hành động nhanh chóng để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình không cần chờ đến thời điểm chuyển giao 20/1/2009. Obama dự định khởi động bằng việc bổ nhiệm các nhân vật chủ chốt trong ê kíp làm việc trong thời gian chuyển tiếp của ông.

Obama cũng có thể sẽ tổ chức họp báo và công bố các nhân vật quan trọng sẽ vào Nhà Trắng vào cuối tuần này. Họ dự đoán, việc bổ nhiệm ngoại trưởng và bộ trưởng tài chính sẽ được hòan tất trước lễ Tạ ơn.

Roosevelt đã từng từ chối tham gia vào việc kê toa thuốc cho nền kinh tế suy thoái, trong khoảng thời gian từ khi ông đắc cử tới lúc nhậm chức. Nhưng các cố vấn của Obama cho biết ông sẽ không thể theo kiểu im lặng đó được. Một quan chức thân cận với Obama và phe Dân chủ khẳng định rằng tổng thống đắc cử sẽ xắn tay giải quyết vấn đề kinh tế.

Obama đã tham vấn các nhà lãnh đạo quốc hội về khả năng đưa ra một gói tài chính trị giá 100 tỷ USD dành để hỗ trợ người thất nghiệp, nhiên liệu sưởi trong mùa đông, thực phẩm và tài trợ cho một số bang và thành phố. Đề xuất này có thể được thông qua vào kỳ họp 17/11 này. Ông cũng thường xuyên thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson về môi trường kinh tế và bày tỏ hy vọng hợp tác chặt chẽ với Paulson trong thời gian chuyển tiếp. Đây chính là giai đoạn bộ trưởng tài chính quyết định chi tiêu 700 tỷ USD cứu trợ hệ thống tài chính Mỹ như thế nào.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng nếu Obama hành động mạnh mẽ thái quá, sẽ có bất lợi cho ông. "Nếu ông ấy tham gia quá nhiều vào các cuộc tranh cãi về chính sách trước khi chính thức nhậm chức, điều đó sẽ gây hậu quả cho ông", Elaine Kamarck, cố vấn chính sách đối nội cho cựu phó tổng thống Al Gore, nhận định.

Obama là biểu tượng cho dấu chấm hết của kỷ nguyên Bush, và ông sẽ phải đối mặt với những di sản của chính quyền cũ trong nhiều năm tới. Obama cam kết khi tranh cử, rằng ông sẽ đóng cửa nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo, nhưng giới quan sát nhận xét rằng việc thực thi điều này khó hơn nhiều so với những gì tổng thống đắc cử tưởng tượng. Obama thừa hưởng khoản thâm thủng ngân sách khổng lồ sắp lên đến 1 nghìn tỷ vào năm sau. Điều đó có thể hạn chế những ước mơ của ông - chẳng hạn kế hoạch mở rộng diện được bảo hiểm và chăm sóc y tế.

Trên thực tế, việc biến những lời hứa khi tranh cử thành hiện thực có thể sẽ rất khó khăn. Những bài phát biểu bất tuyệt của ông có thể gây ra cảm giác rằng nhiều lời hứa có thể khó được thực hiện. Ông từng nói về "nền chính trị mới" trong đó những người Cộng hòa và Dân chủ sát cánh cùng nhau. Nhưng nếu ông thực sự bắt tay với phe Cộng hòa để tìm tiếng nói chung trong các vấn đề như Iraq, khủng bố và biến đổi khí hậu, ông có thể làm mất lòng những người có tư tưởng tự do đang ủng hộ ông.

"Khi tranh cử, người ta là đen hoặc trắng. Khi cầm quyền, người ta là xám", Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, từng làm việc cho 4 đời tổng thống kể cả Tổng thống Bush, nói.

Cho dù Obama tập trung vào vấn đề kinh tế, ông cũng sẽ phải đối mặt với những giờ khắc khó khăn trong đối ngoại. Những kẻ khủng bố từng nhiều lần lợi dụng khoảng thời gian chuyển tiếp để tấn công vào các nước phương Tây như Anh, Tây Ban Nha, thậm chí cả Mỹ. Al-Qeada từng âm mưu cho nổ tòa Trung tâm Thương mại Thế giới chỉ vài tuần sau khi Bill Clinton lên nắm quyền năm 1993.

"Quy mô và mật độ của các mối nguy hiểm ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây", James Steinberg, phó cố vấn an ninh quốc gia của Bill Clinton bình luận.

Ngoài ra, còn có những điều không thể đoán trước xảy ra, khiến người ta đột nhiên rơi vào một cuộc khủng hoảng không thể lường.

"Luôn có những sự ngạc nhiên mà anh không tưởng tượng được", Nancy Soderberg, một trong những cố vấn an ninh cấp cao thời Clinton, nói. Bà nhớ lại rằng tổng thống George Bush (cha) đã quyết định đưa quân đến Somalia ngay trước khi bàn giao Nhà Trắng cho Clinton. Lần này, "dự đóan của tôi có thể là cái gì đó ở Pakistan".

Obama khởi đầu với lợi thế rất lớn ở cả trong và ngoài nước. Ông còn có được thế đa số ở Thượng viện. "Ông ấy sẽ không phải chịu đựng những cuộc chiến khi muốn thông qua các điều luật", Craig Fuller, cố vấn hàng đầu của các cựu tổng thống Ronald Reagan và George Bush, phát biểu.

Nhiệm vụ trước mắt Obama không chỉ là vực dậy nền kinh tế hay đối mặt với những khủng hoảng ngoại giao. Ông đón nhận một quốc gia đang mệt mỏi với quá khứ và lo lắng cho tương lai, lo ngại cho vị thế của Mỹ trên thế giới, hoài nghi chính phủ và khao khát cảm giác được giải thoát. 9 trong số 10 người dân Mỹ nghĩ rằng đất nước của họ đang đi sai đường - tỷ lệ bi quan lớn nhất trong lịch sử thăm dò ý kiến công chúng Mỹ.

"Obama nhận ra rằng nước Mỹ cần được chữa lành vết thương", nhà sử học chuyên nghiên cứu các đời tổng thống Michael Beschloss nhận xét. "Chúng ta đã qua 10 năm chao đảo, bắt đầu từ một cuộc luận tội tổng thống đầy tranh cãi, rồi đến chuyện kiểm lại phiếu, vụ 11/9, chiến tranh Afghanistan và Iraq, bão Katrina và giờ là cuộc khủng hoảng tài chính".

"Với những thứ ta phải chịu đựng trong quãng thời gian 10 năm qua, tôi cho là Obama hiểu rằng ông ấy cần làm gì đó để thực sự khiến chúng ta yên lòng".

Theo VnExpress