📞
Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an

Thách thức nào đang chờ Việt Nam tại Hội đồng Bảo an?

Phan Mích 17:43 | 11/06/2019
TGVN. Những thách thức mà Việt Nam phải phối hợp giải quyết trong nhiệm kỳ 2 năm làm Ủy viên không thường trực sắp tới là những vấn đề nóng của thế giới mà Hội đồng Bảo an đang tập trung giải quyết.    
Các nước chúc mừng Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hoài Trung sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Trong phiên bầu 5 nước ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) vừa qua, Việt Nam đã đạt được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối 192/193, vượt xa số phiếu đạt được cho nhiệm kỳ đầu tiên 2008 - 2009 là 183/190. Cùng lúc đảm đương vai trò Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an, từ năm 2020, Việt Nam cũng chính thức đảm nhận chức Chủ tịch khối ASEAN.

Cơ hội nâng cao vị thế

Hội đồng Bảo an LHQ là 1 trong 6 cơ quan chính của LHQ chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước ủy viên thường trực gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng LHQ bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý.

15 ghế tại Hội đồng Bảo an gồm 5 ghế Ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, 10 ghế Ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Theo quy định, một nghị quyết phải hội đủ ít nhất 9/15 phiếu ủng hộ mới được Hội đồng Bảo an thông qua. Do đó, dù không sở hữu phiếu phủ quyết riêng nhưng nếu phối hợp tốt lập trường, các Ủy viên không thường trực có thể tạo ra “quyền phủ quyết tập thể”.

Việc tham gia Hội đồng Bảo an LHQ là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế thông qua việc đóng góp tiếng nói và tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế. Được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là một vinh dự lớn với bất kỳ quốc gia nào bởi nước đó sẽ có thể đóng góp vào việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng của thế giới.

So với nhiệm kỳ đầu cách đây 10 năm, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Quan điểm và lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề lớn, trong đó có những vấn đề thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, nhận được sự ủng hộ cao của cộng đồng quốc tế. Vai trò và vị thế của Việt Nam được các nước ghi nhận và đánh giá cao. Các yếu tố này đã giúp Việt Nam giành thắng lợi gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, với tỷ lệ ủng hộ cao, kỳ vọng của các nước đối với Việt Nam cũng rất lớn. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi. Những diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông, tình hình Venezuela, vấn đề hạt nhân của Iran và sự chia rẽ giữa các nước lớn đang và sẽ đặt ra không ít thách thức đối với Hội đồng Bảo an. Việt Nam sẽ phải chuẩn bị và đưa ra lập trường và quan điểm cụ thể đối với từng vấn đề, đảm bảo phù hợp với bối cảnh chung và hài hòa lợi ích giữa các nước liên quan.

Nhiều thách thức trước mắt

Bình luận về vị thế của Việt Nam, Giáo sư Shankari Sundararaman, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học JNU, New Delhi cho rằng, xét về khía cạnh kinh tế Việt Nam là một quốc gia quan trọng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chuyển hướng về phía Đông, giữa lúc Mỹ và Trung Quốc trải qua xung đột thương mại.

Việt Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 6,8% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh từ nay đến năm 2030. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN. Khi đó, với vai trò ở cả khu vực và toàn cầu, tiếng nói của Việt Nam sẽ càng có sức nặng.

Nhận định về vai trò của Việt Nam với tư cách ủy viên Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, bà Sundararaman cho rằng Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình để góp phần giải quyết cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, khu vực bị chia cắt với nhiều gia đình bị ly tán. “Trong quan hệ lịch sử với Mỹ, Việt Nam đã có thể gác lại quá khứ và hướng tới tương lai. Hiện hai nước đang là Đối tác Toàn diện và mối quan hệ song phương không ngừng phát triển. Đây là một bài học có thể được vận dụng cho mối quan hệ Mỹ-Triều hiện nay”, bà Shankari Sundararaman cho hay.

Ngoài ra, là một ủy viên của Hội đồng Bảo an, Việt Nam cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề duy trì an ninh hàng hải, khi Việt Nam đang kiên trì thúc đẩy các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển và bảo vệ trật tự dựa trên quy tắc.

Bà Sundararaman cho rằng, một trong những vấn đề thách thức nhất mà Việt Nam và các thành viên khác của Hội đồng Bảo an phải đối mặt trong những năm tới là việc cải tổ cơ quan quyền lực nhất của LHQ khi LHQ cần phải điều chỉnh cho phù hợp với các thực tiễn của thế giới ngày nay, thông qua việc mở rộng số ghế của cả ủy viên thường trực lẫn ủy viên không thường trực để mang tính đại diện cao hơn.

GS. Shankari Sundararaman, Giám đốc Trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đại học JNU, New Delhi cho rằng một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong nhiệm kỳ là cải tổ cơ quan quyền lực nhất của LHQ. (Nguồn: Reuters)

Ông Arthur Erken - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Đối tác Chiến lược, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho rằng, cơ quan này cần những tiếng nói như Việt Nam để giúp gìn giữ những giá trị của chủ nghĩa đa phương, giá trị của hợp tác, cùng tìm kiếm giải pháp và quan điểm chung, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi đang cần một thể chế đa phương đủ mạnh để giải quyết các vấn đề toàn cầu như môi trường xuống cấp, hòa bình và an ninh, di cư và áp lực dân số.

“Đây là những vấn đề chung mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt và tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếng nói của Việt Nam vì các bạn hiểu rõ bản chất và tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh, phát triển đất nước và bảo vệ quyền con người”, ông Arthur Erken chỉ rõ.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại LHQ Nguyễn Phương Nga, một nước khi tham gia HĐBA phải cân nhắc rất kỹ để trong khi đề cao nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay mà LHQ theo đuổi, vẫn bảo đảm lợi ích quốc gia, duy trì quan hệ hợp tác với các nước khác, nhất là các nước lớn.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc ngày càng gia tăng bởi cục diện thế giới trong thời điểm hiện nay rất khác, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, chủ nghĩa đa phương bị suy yếu ít nhiều, trật tự luật pháp quốc tế cũng bị đe dọa. Nhiều vấn đề xung đột phức tạp và lâu dài vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết như vấn đề bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông, quan hệ Mỹ- Iran, các cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, Yemen và Libya đã kéo dài nhiều năm, dù đây là những vấn đề HĐBA liên tục đưa lên bàn nghị sự.

“Vì vậy, Việt Nam sẽ cần nỗ lực bắt nhịp với những mảng công việc của HĐBA, cần chuẩn bị trước nội dung đối với các vấn đề dự kiến sẽ được bàn thảo trong giai đoạn 2020 - 2021 và thu xếp hợp lý về thời gian, nhân lực dự họp cũng như theo dõi những vấn đề này”, bà Nga nhấn mạnh.

Còn theo Đại sứ Ngô Quang Xuân, thế giới ủng hộ Việt Nam bởi Việt Nam là một thành viên có uy tín, có trách nhiệm cao và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tình hình thế giới hiện nay tương đối phức tạp, quan hệ giữa các nước lớn có vấn đề nên gây ảnh hưởng tới hoạt động của Hội đồng bảo an, bởi họ là những nước Ủy viên thường trực... Trong khi đó, xung đột ở các điểm nóng còn tồn tại nên các quốc gia thành viên tin rằng Việt Nam có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, như vai trò hòa giải xung đột giữa các bên, bảo vệ người dân trong xung đột...

“Trong vai trò Ủy viên Không thường trực, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức nhưng cũng sẽ có không ít cơ hội thể hiện mình”, ông Ngô Quang Xuân nhận định.