📞

Thách thức ở Biển Đông - Động lực để Philippines nâng cấp không quân?

Mộc Lan 19:00 | 01/07/2021
Trước những thách thức ngày càng gia tăng ở Biển Đông, Philippines tăng cường nâng cấp lực lượng không quân với những vũ khí hiện đại. Tuy nhiên, tham vọng trang bị vũ khí tiên tiến trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp cũng khiến quốc gia này phải cân nhắc kỹ lưỡng các nhà thầu.
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông qua đề xuất bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Philippines. (Nguồn: Eurasiantimes)

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua đề xuất bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Philippines - dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington đã sẵn sàng ủng hộ đồng minh chống lại việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Đề xuất vẫn đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua với trị giá khoảng 2,43 tỷ USD.

Câu chuyện giữa nhu cầu và khả năng tài chính

Dù Philippines đang tìm cách sở hữu các loại máy bay chiến đấu đa nhiệm để củng cố sự hiện diện tại vùng Biển Đông tranh chấp nhưng việc mua vũ khí nói trên không dễ dàng với Manila bởi nếu được ký, thỏa thuận sẽ ngốn tới hơn một nửa ngân sách quốc phòng năm 2021 của quốc gia này (4,23 tỷ USD).

Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nói rằng hợp đồng mua F-16 có thể quá khả năng chi trả với Philippines và Không quân Philippines đang cân nhắc cả các phương án khác.

Trao đổi với phóng viên tờ Inquirer, Bộ trưởng Lorenzana cho biết lực lượng không quân sẽ lựa chọn giữa máy bay F-16 của nhà thầu Lockheed Martin hoặc Gripen của Saab và sẽ sớm công bố quyết định. Thỏa thuận được hi vọng công bố trước khi Tổng thống Rodrigo Duterte rời nhiệm sở trong năm tới.

Hợp đồng vừa được Bộ Ngoại giao Mỹ bật đèn xanh bao gồm việc bán 10 chiếc F-16C 1 chỗ ngồi và 2 máy bay chiến đấu đa năng F-16D Block 70/72 2 chỗ ngồi (còn có tên gọi khác F-16V hoặc Vipers) cùng 15 radar APG-83 và động cơ phản lực cánh quạt F100 hoặc F110. Gói thầu này cũng bao gồm 24 tên lửa không đối không tầm xa AIM-120C-7, bom tấn công trực diện và ống ngắm Sniper hoặc Litening.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chấp nhận đề xuất bán 24 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Block II Sidewinder trị giá 43 triệu USD và 12 tên lửa chống hạm phóng từ trên không AGM-84L-1 Harpoon II (120 triệu USD) cho Philippines, loại tên lửa có thể được trang bị một đôi trên mỗi chiếc F016.

Trước đó, tháng 4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã thông qua kế hoạch bán trực thăng tấn công AH-64E Apache Guardian hoặc AH-1Z Viper (có trị giá lần lượt là 1,5 tỷ USD và 450 triệu USD) cho Philippines, song đơn đặt hàng cho đến nay vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân được cho là trị giá hợp đồng vượt quá ngân sách 256 triệu USD của Không quân Philippines dành cho phi đội trực thăng tấn công.

Năm 2005, Philippines đã dừng hoạt động các máy bay phản lực cuối cùng F-5 Freedom Fighter. Tuy nhiên, những hành động gây hấn của Bắc Kinh nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền đối với các đảo nhân tạo trên Biển Đông đã khiến Manila phải tăng chi tiêu quốc phòng và tìm cách củng cố khả năng chiến đấu của mình.

Cân nhắc đa dạng đối tác cung cấp

Trước đó, thay vì ngay lập tức trang bị các loại máy bay chiến đấu tân tiến, Không quân Philippines đã lựa chọn việc mua hơn 10 máy bay siêu thanh KAI FA-50 Golden Eagle của Hàn Quốc. Với công nghệ dựa trên nền tảng F-16, các máy bay có giá thành tương đối rẻ hơn này có thể vừa đóng vai trò huấn luyện vừa đảm bảo một nền tảng phòng không và tấn công hiệu quả.

Kể từ khi phiên chế năm 2016, các máy bay FA-50 được sử dụng khá rộng rãi trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng nổi dậy.

Bên cạnh đề xuất hợp đồng mua F-16 từ Mỹ, Không quân Philippines cũng đang cân nhắc việc đầu tư máy bay chiến đấu đa nhiệm, chẳng hạn như Saab JAS 39C/D MS20 của Thụy Điển.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng việc sở hữu F-16 sẽ cho phép Philippines triển khai các máy bay chiến đấu với những vũ khí chính xác để hỗ trợ các hoạt động chống khủng bố ở miền Nam, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội Philippines trong việc đối phó với các mối đe dọa hiện tại và tương lai trong khu vực.

Lựa chọn cuối cùng về hợp đồng của Mỹ hay Thụy Điển hiện vẫn chưa được các nhà hoạch định chính sách Manila công bố và chưa rõ họ có chấp nhận cái giá mà nhà thầu đưa ra trong bối cảnh Philippines đối mặt với nhiều nhu cầu cấp bách như hiện nay.

Tuần trước, công ty công nghệ Simularity (Mỹ) cho biết có hơn 100 tàu mới được phát hiện tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines tại Biển Đông, và “nhiều khả năng đó là các tàu Trung Quốc”.

Công ty này đã giám sát các tàu trên Biển Đông từ năm 2020, cho biết số lượng tàu hiện diện tại EEZ đã tăng từ 129 chiếc hồi tháng 5/2021 lên tới 238 chiếc vào ngày 17/6.

Trước thông tin này, Thượng nghị sỹ Risa Hontiveros đã hối thúc Bộ Ngoại giao Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila. Bà nhấn mạnh trong tuyên bố: “Thay vì tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tại vùng biển tranh chấp, họ lại leo thang hành động. Điều này cho thấy rõ rằng Trung Quốc không hề ngần ngại làm trầm trọng thêm tình hình”. Bà Risa cho rằng Tổng thống Duterte cần phải “đối diện Bắc Kinh và yêu cầu rời tàu khỏi lãnh thổ của Philippines”.

Tháng trước, Tổng thống Duterte đã yêu cầu nội các tránh công khai bình luận về vấn đề Biển Đông sau khi một số bộ trưởng cấp cao gay gắt chỉ trích sự hiện diện của Trung Quốc trong EEZ của Philippines, đặc biệt là dòng bình luận thẳng thừng của Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr.

(theo thediplomat.com/forbes)