Số liệu thống kê tại khu công nghiệp chế biến hải sản Samut Sakhon cho thấy trong tuần qua, mỗi ngày lại có khoảng 500 người lao động Myanmar bỏ việc tại đây để trở về quê hương. Họ là những người không có giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép lao động, do đó phải trở về nước để tránh bị phạt tiền.
Trong khi đó, cảnh sát tại bang Karen của Myanmar cũng cho biết kể từ ngày 29/5, đã có khoảng 6.000 người lao động nước này trở về từ Thái Lan.
Tại biên giới Campuchia, dòng người trở về nhà đang tăng lên hàng ngày kể từ khi Thái Lan triển khai Luật Lao động nhập cư mới. Từ ngày 28/5, đã có gần 2.000 công nhân Campuchia trở về nước qua cửa khẩu Poipet.
Luật Lao động nhập cư mới được Chính phủ Thái Lan hoãn áp dụng trong bối cảnh hàng nghìn người lao động nhập cư đã rời bỏ "Đất nước Chùa Vàng" tới Myanmar và Campuchia . (Nguồn: Asia Foundation) |
Trước tình hình "chảy máu" nguồn nhân lực nói trên, Chính phủ Thái Lan quyết định hoãn thực thi nhiều quy định trong Luật Lao động nhập cư mới trong vòng 120 ngày để tạo điều kiện cho chủ lao động và người lao động có thể tìm các giải pháp thích hợp đảm bảo việc làm. Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam nêu rõ: "Trong thời gian tạm hoãn này, các cơ quan chức năng sẽ không tiến hành bất cứ lệnh bắt giữ nào cũng như các chiến dịch truy quét người lao động bất hợp pháp, trừ khi họ phạm tội buôn người".
Trước đó, trong bước đi nhằm hạn chế tình trạng sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp cũng như phòng chống buôn bán người trong lĩnh vực lao động, Chính phủ Thái Lan đã thông qua Luật Lao động nhập cư mới. Đạo luật này có hiệu lực từ ngày 23/6 vừa qua, bao gồm các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với lao động nhập cư bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động và hoạt động môi giới lao động nhập cư trái phép.
Cụ thể, đối với chủ sử dụng lao động, nếu sử dụng lao động nhập cư không có giấy phép lao động hoặc sử dụng lao động nhập cư trong các lĩnh vực bị cấm sẽ bị xử phạt từ 400.000 Baht đến 800.000 Baht (tương đương 11.000 - 23.500 USD)/lao động. Việc sử dụng lao động không đúng với ngành nghề đã đăng ký trong giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 400.000 Baht/lao động.
Đối với lao động nhập cư trái phép, người lao động không có giấy phép hoặc làm việc trong các lĩnh vực bị cấm có thể bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền từ 20.000 Baht đến 100.000 Baht. Lao động làm việc trong lĩnh vực không đúng với giấy phép lao động có thể bị xử phạt tới 100.000 Baht.
Về quản lý lao động nhập cư, nếu chủ sử dụng lao động hay bất kỳ cá nhân nào giữ giấy phép lao động hay giấy tờ tùy thân của lao động nhập cư trái phép có thể bị phạt tù tới 6 tháng và phạt tiền tới 100.000 Baht. Đối với các cá nhân làm dịch vụ đưa lao động nước ngoài sang làm việc mà không có giấy phép của Cục Quản lý lao động có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm và phạt tiền từ 200.000 đến 600.000 Baht. Trong khi đó, đối tượng môi giới lao động nhập cư trái phép vào làm việc tại Thái Lan có thể bị phạt tù tới 10 năm và xử phạt tới 1 triệu Baht.
Theo Sắc lệnh Hoàng gia năm 1979 của Thái Lan, có 39 ngành, nghề, lĩnh vực bị cấm đối với lao động nước ngoài như lao động phổ thông, bán hàng, nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, dệt may, bán hàng rong, văn thư,thư ký, dịch vụ pháp lý hoặc tố tụng.