Thái Lan đang nỗ lực áp dụng công nghệ, chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp thông minh. Ảnh minh họa. (Nguồn: Bangkok Post) |
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhanh sử dụng công nghệ số như một công cụ chính phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, chính phủ Thái Lan từ lâu đã thông qua chính sách thúc đẩy nền kinh tế số.
Là một quốc gia được coi là đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Thái Lan đặt ra mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế số lên đến 50% vào năm 2030.
Thái Lan là một trong những nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây. Nền kinh tế số được dự báo sẽ tạo ra khoảng 60 triệu việc làm mới cho người dân xứ chùa vàng trong những năm tới. Chính phủ nước này đã đưa ra những biện pháp khuyến khích để hỗ trợ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Hồi cuối năm 2022, Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là ông Prayut Chan-ocha đã kêu gọi các nước thành viên ASEAN tham gia hợp tác và thúc đẩy các sáng kiến trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhằm tạo ra một môi trường tốt hơn cho việc mở rộng kinh doanh kỹ thuật số. Để thực hiện mục tiêu này, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số được Thái Lan coi là bắt buộc.
Chiến lược “Thái Lan 4.0”
Chính phủ Thái Lan đang thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới Chiến lược “Thái Lan 4.0”, thông qua việc thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và viễn thông. Chiến lược “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi Thái Lan từ một nước được định hướng bởi công nghiệp, thành một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao.
Chiến lược này được chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng xây dựng một xã hội và nền kinh tế số, giúp quốc gia này có thể trở thành “nhà lãnh đạo số”. Trong đó, Thái Lan tập trung tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi hoạt động kinh tế-xã hội, như phát triển kết cấu hạ tầng, dữ liệu, sáng kiến, nguồn lực con người và những nguồn lực kỹ thuật số khác để đưa đất nước đạt tới ổn định, thịnh vượng và bền vững.
Theo một quan chức chính phủ nước này, sự tiến bộ của nền kinh tế số sáng tạo sẽ liên kết tất cả các ngành và cho phép người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua các công nghệ mới như 5G, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đem lại cơ hội phát triển cho tất cả các ngành công nghiệp.
Để thực hiện chiến lược nói trên, Bộ Kinh tế và Xã hội số Thái Lan đã triển khai các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật số trên cả nước, đặc biệt là việc lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao về khắp các làng bản. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu Thái Lan bao gồm AIS, DTAC và True nhanh chóng triển khai vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc, hiện phủ sóng đến 80% dân số.
Có công nghệ số, người dân Thái Lan có điều kiện tiếp cận các dịch vụ công, thông tin trực tuyến, dịch vụ chăm sóc y tế, và giáo dục từ xa, đồng thời phần nào giúp xóa bỏ khoảng cách xã hội.
Thái Lan là một trong những nước đi đầu việc áp dụng kỹ thuật số ở Đông Nam Á và cũng là một trong những nước đầu tiên ở khu vực triển khai thương mại 5G. Thái Lan cũng giúp mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng số sang các nước lân cận như Lào, Campuchia và Myanmar.
Đổi mới ngành nông nghiệp
Nông nghiệp là một trong những hoạt động kinh tế chủ chốt của Thái Lan. Quốc gia này luôn nằm trong số những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, được coi là “vựa hoa quả nhiệt đới” của khu vực Đông Nam Á, tuy vậy ngành nông nghiệp mới chỉ đóng góp khoảng 8-9% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn của thế giới, Thái Lan nỗ lực đổi mới ngành nông nghiệp để cải thiện phương thức canh tác, bao gồm tăng năng suất và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, cũng như nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng kỹ năng cho người nông dân trong quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh.
Tuy nhiên, nông nghiệp Thái Lan cũng đang đối mặt một số thách thức như vấn đề già hóa dân số, tỷ lệ hộ gia đình nông dân mắc nợ còn cao, tỷ lệ canh tác hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học) thấp, dễ bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Chính phủ Thái Lan đã xác định việc phát triển nông nghiệp của nước này cần tập trung vào 4 định hướng chính: thực hiện mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh trong nông nghiệp và tăng năng suất nhờ canh tác quy mô lớn; khuyến khích phát triển các loại rau, cây ăn quả có giá trị cao và cây trồng để xuất khẩu; khuyến khích tăng trưởng các loài cây trồng có thể dùng làm thức ăn có nguồn gốc thực vật để hỗ trợ xu hướng an ninh lương thực trong tương lai; và tăng tỷ lệ nông dân sử dụng công nghệ trực tuyến.
Từ các định hướng này, trong những năm qua, chính phủ Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp, đặc biệt là kết hợp với khu vực tư nhân trong lĩnh vực phát triển công nghệ để giúp nông dân đổi mới cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và có tính cạnh tranh cao.
Có thể nói năng lực nông nghiệp Thái Lan hiện nay đã có sự phát triển đáng kể nhờ các chính sách, sáng kiến và hỗ trợ của chính phủ, cùng với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của khối tư nhân. Sự hợp tác giữa các bên đối tác đã có tác dụng giúp giảm nhẹ các ảnh hưởng tiêu cực do thời tiết, thiên tai gây ra, giảm chi phí, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tạo ra thu nhập bền vững, nhờ đó giúp cải thiện đời sống của người nông dân Thái Lan.
Với những kiến thức về công nghệ đã được học tập, nhiều nông dân Thái Lan đã biết cách sử dụng và phân tích dữ liệu để lập kế hoạch và thiết kế quản lý canh tác hiệu quả hơn nhằm giảm bớt sức lao động thủ công, tăng năng suất và độ chính xác, cắt giảm chi phí, từ đó tạo ra được nguồn thu nhập bền vững.
Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ được số hóa tới 50% vào năm 2025. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tin chắc rằng xứ sở Chùa Vàng sẽ sớm đạt mục tiêu tăng nền kinh tế số của nước này lên 50% vào năm 2030.