Đây là 2 dự luật cuối cùng của số 4 đạo luật liên quan đến cuộc bầu cử tại Thái Lan được NLA thông qua.
Việc thông qua 2 dự luật này sẽ là dấu mốc quan trọng hoàn thành quá trình chuẩn bị luật cho cuộc bầu cử từ khi Hiến pháp mới có hiệu lực từ tháng 4/2017.
Thái Lan thông qua dự luật bầu cử Hạ viện và Thượng viện. |
Dự luật bầu các thành viên Hạ viện đã được các thành viên NLA thông qua với 211 phiếu thuận, 7 phiếu trắng và không phiếu chống. Đối với dự luật lựa chọn Thượng nghị sĩ, Hội đồng Lập pháp quốc gia thông qua với 202 phiếu thuận, 1 phiếu chống và 13 phiếu trắng.
Trước đó ngày 25/1, NLA đã thông qua với 196 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 14 phiếu trắng, nhất trí lùi thời hạn áp dụng Luật bầu Hạ viện và Thượng viện, khiến cuộc tổng tuyển cử phải chậm lại đến tháng 2/2019 thay vì tháng 11/2018 như dự kiến.
Tại phiên họp đó, NLA cũng thành lập Ủy ban hỗn hợp gồm Hội đồng lập pháp quốc gia, Ủy ban soạn thỏa Hiến pháp (CDC) và Ủy ban Bầu cử (EC) để xem xét lại một số điều khoản của hai dự luật này. Tuy nhiên, cả hai dự luật đều được Hội đồng Lập pháp quốc gia thông qua lần này, mà không sửa đổi bất kỳ điều khoản nào.
Theo Hiến pháp 2017 của Thái Lan, 250 thành viên Thượng viện trong nhiệm kỳ đầu tiên sẽ do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và trật tự (NCPO) lựa chọn. Quy định này đã làm nảy sinh lo ngại rằng sự lựa chọn của NCPO sẽ ảnh hưởng đến thành phần Thượng viện.
Cuối tháng trước, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã đưa ra cam kết mới về thời gian tổ chức cuộc bầu cử vào tháng 2/2019, sau khi các nhà lập pháp hoàn thành các dự luật cần thiết. Đây là lần thứ 4 ông Prayut đưa ra cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử từ cuộc đảo chính năm 2014.