Lo ngại khả năng về một cuộc tấn công trong những ngày tới của UAE vào thành phố Hodeidah, nơi có cảng Biển Đỏ quan trọng của Yemen, các nhóm cứu trợ và quan chức Liên hợp quốc (LHQ) đang chạy đua với thời gian để di dời người dân khỏi thành phố, cũng như nỗ lực đàm phán để ngăn chặn cuộc tấn công.
Cuối tuần qua, Đặc phái viên của LHQ về Yemen Martin Griffiths đã đến UAE trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc tấn công này. Ông Griffiths đã đạt được một thỏa thuận với các phiến quân Houthi đang kiểm soát Hodeidah nhằm cho phép LHQ cùng vận hành cảng. Tuy nhiên, các chuyên gia đàm phán cho biết họ nghi ngờ cuộc tấn công của UAE vẫn có thể xảy ra, hoặc chỉ tạm thời trì hoãn.
Trước đó, Saudi Arabia đã cáo buộc Iran sử dụng Hodeidah để vận chuyển tên lửa vào Yemen, điều mà Tehran luôn bác bỏ. UAE, đồng minh quan trọng nhất của Saudi Arabia trong liên minh quân sự tại Yemen, đã có sự hiện diện quân sự đáng kể tại cảng này nhằm hỗ trợ đồng minh giành lấy Hodeidah từ chiến binh Houthi.
Quân đội Yemen, hậu thuẫn bởi liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu di chuyển tại khu vực gần thành phố cảng Hodeidah hồi tháng 5. (Nguồn: EPA) |
Theo các quan chức của LHQ, cuộc tấn công vào cảng Hodeidah, cửa ngõ của 80% nguồn cung cấp thương mại và viện trợ nhân đạo cho Yemen, có thể đẩy quốc gia nơi hàng triệu người đang trên bờ vực của nạn đói xuống vực thẳm. Con số thương vong nếu cuộc tấn công xảy ra được dự báo lên đến 250.000 dân thường.
Trước đó, UAE từng cam kết sẽ không khởi động một cuộc tấn công vào cảng mà thiếu vắng sự ủng hộ từ Mỹ và Anh, trong khi cả hai nước đều bày tỏ lo ngại về hậu quả nghiêm trọng từ một cuộc tấn công quân sự. Tuy nhiên, lập trường của Dubai đã thay đổi sau khi các lực lượng của họ ngoài cảng của Yemen bị tấn công. Sự việc này đã thúc đẩy UAE lên kế hoạch trả đũa, đồng thời thông báo với Anh rằng các nhóm cứu trợ nhân đạo sẽ có 3 ngày để di dời trước cuộc tấn công. Nhiều nguồn tin khẳng định UAE có thể khởi động cuộc tấn công không lâu sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trong những tuần gần đây, UAE đang tìm kiếm viện trợ quân sự trực tiếp của Mỹ cho một cuộc tấn công vào cảng Yemen. Về phần mình, chính quyền Trump luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia và UAE, những nhân tố đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông. Mối quan hệ đó làm cho Mỹ càng khó khăn hơn trong việc bác bỏ lời đề nghị trợ giúp và ủng hộ từ phía đồng minh. Mặt khác, họ cũng xem cuộc tấn công này như một cơ hội để liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chiếm ưu thế tại các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.
Hiện hơn 75% dân số Yemen sống dựa vào viện trợ nhân đạo. Cuộc xung đột kéo dài ba năm đã khiến ít nhất 10.000 người Yemen thiệt mạng, cùng hàng triệu người sống trong tình trạng bần cùng. Nếu nổ ra, cuộc tấn công vào cảng Hodeidah có thể sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo, làm trầm trọng thêm cơn bĩ cực tại Yemen.