Cả nước đang chờ đợi ngày các địa phương được thoát hoàn toàn khỏi những cụm từ gây ám ảnh như giãn cách, phong tỏa, cách ly…
Đại đức Thích Đạo Thắng (thứ tư từ trái), và phật tử Lâm Tuệ (thứ ba) trao tặng quà hỗ trợ quận Đống Đa trong những ngày giãn cách vì dịch Covid-19. (Ảnh: LT) |
Luôn trong cuộc khi xã hội cần
Phải đợi đến chiếc xe bán tải có dòng chữ “Xe vận chuyển hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch Covid” cuối cùng dỡ xong hàng, tôi mới tiếp cận với chủ xe lưng áo ướt đầm trong tiết Thu mát mẻ. Tôi hỏi: “Anh cho phép tôi phỏng vấn chút được không?”, anh cười hiền chỉ tôi sang phía xa:
“Tôi chỉ là lái xe, cửu vạn, kiêm trông kho, hoạt động vùng ngoài thôi. Nhà báo nên gặp thầy tôi - Đại đức Thích Đạo Thắng mà hỏi. Thầy ở đằng kia, mặc đồ bảo hộ đó!”.
Theo tay anh, tôi ngỡ ngàng khi nhận ra ngay người anh muốn nói tới. Đó không phải là một bậc cao tăng lớn tuổi mà là một người trung niên khỏe mạnh, tác phong nhanh nhẹn, đang thoăn thoắt bước tới trong bộ đồ bảo hộ. Sau khi cởi bỏ đồ bảo hộ, trong bộ đồ nâu giản dị của nhà Phật, thầy trao đổi với tôi về những hoạt động thiện nguyện hỗ trợ phòng chống Covid-19 dày đặc của mình và các Phật tử.
Thầy chia sẻ bằng giọng nói nhẹ mà trầm vang: “Trong trường học Văn Chương - nơi đặt ban chỉ huy, ai cũng căng mình chống dịch. Hôm nay có cả sự tham gia trực tiếp của Bí thư, Chủ tịch quận Đống Đa và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Quận.
Các anh ấy phải trực ngày, đêm và cập nhật thông tin từng giờ từ người dân. Tôi đã làm việc với nhiều quận tại Hà Nội, các lãnh đạo đều nhất trí tạo điều kiện tối đa để các tổ chức, cá nhân cung cấp lương thực hỗ trợ bà con vùng dịch. Hết chương trình ở Đống Đa, chúng tôi sẽ chuyển sang quận Thanh Xuân”.
Vậy là vượt ra ngoài kế hoạch gặp một trong những người trong đội xe bán tải từ thiện, tôi đã được gặp cả nhóm những người có tấm lòng nhân ái và luôn không chịu ở ngoài cuộc khi xã hội cần. Mỗi người trong một cương vị khác nhau, sẵn sàng sẻ chia, yêu thương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Nghệ sỹ, họa sỹ Đào Anh Khánh bên bức tranh “Phố bình yên” được bán đấu giá trên trang facebook với giá 2.021 USD. Số tiền này trao tặng Chương trình Túi ngủ Ngàn thu, để gửi tặng đồng bào miền Nam ruột thịt trong đợt chống dịch Covid-19. (Ảnh: LT) |
Những chiếc túi ngủ nghĩa tình
Vừa trò chuyện với tôi, thầy vừa liếc tin nhắn trên điện thoại rồi quay sang anh chủ xe Nguyễn Ngọc Minh: “Con về ngay 30 Lý Thường Kiệt để họp trực tuyến Nhóm Túi ngủ Ngàn thu vì phật tử Lâm Tuệ và nghệ sỹ Đào Anh Khánh đang đợi!”.
Nói rồi thầy quay sang giải thích với tôi: “Lâm Tuệ là pháp danh của chị Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch của Quỹ Zen Moment.
Còn nghệ sỹ Đào Anh Khánh cũng tích cực đóng góp cho các chương trình của nhóm thông qua việc triển khai các hoạt động và trực tiếp hỗ trợ bằng các tác phẩm của mình. Nhóm đang tổng kết xem đợt đầu này quyên góp được bao nhiêu để có thể đưa vào tâm dịch miền Nam sớm nhất có thể”.
Đại đức Thích Đạo Thắng cho biết, căn hộ ở Lý Thường Kiệt là nơi gia đình Phật tử Lâm Tuệ cho doanh nghiệp hay người nước ngoài thuê để làm việc, còn gia đình chị sống ở quận Tây Hồ. Căn hộ để trống do dịch bệnh và chị ấy đã cho chúng tôi mượn để làm trụ sở cho các chương trình từ thiện.
Theo thầy Thích Đạo Thắng, những thông tin về những người tử vong ở TP. Hồ Chí Minh khiến tất cả mọi người đều cảm thấy đau lòng. Họ mất nhưng vì điều kiện dịch bệnh nên việc ma chay không thể tiến hành tươm tất, chỉ được thắp nén nhang rồi đưa đi hỏa thiêu, không người thân, bạn bè tiễn đưa.
Đó là lý do mà nhóm muốn làm việc gì đó cho những người bệnh không qua khỏi, để nếu như họ không thể được nằm trong tấm áo quan bằng gỗ thì có túi ngủ ấm áp tình người bao bọc giấc ngủ ngàn thu của họ.
“Đời người, có sinh có diệt, mọi chuyện vô thường. Cái chính là lo cho người ở lại. Chúng ta hãy biến những đau thương thành hành động”, thầy nói nhẹ nhàng mà cương quyết.
Thầy bảo: “Trong kia có biết bao chiến sỹ áo trắng đang giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid từ tay tử thần, có người còn hy sinh. Tôi biết có những bạn làm từ thiện “Đám tang 0 đồng” cho bệnh nhân khi các chiến sỹ áo trắng không thể cứu chữa cho họ… Đó là những người vất vả nơi tuyến đầu. Còn chúng ta và những người còn lại hãy là hậu phương vững chắc cho họ”. Nghe thầy chia sẻ, mọi người đều rơm rớm nước mắt, nhưng trong lòng thì thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Được biết, Quỹ Zen Moment của phật tử Lâm Tuệ đã hỗ trợ Chương trình Túi ngủ Ngàn thu 20 triệu đồng, công ty New Việt Nam tài trợ 100% chi phí túi ngủ; Còn nghệ sỹ Đào Anh Khánh thì ủng hộ toàn bộ số tiền 2.021 USD từ việc bán đấu giá bức họa “Phố bình yên” vẽ trên chất liệu acrylic của mình.
Anh chia sẻ: “Tác phẩm đấu giá của tôi mang thông điệp ‘Bình yên sẽ sớm trở về với từng nhà, từng gia đình…’ đã được nhà sưu tập chốt giá 2.021 USD, tương đương với 45.816.070 đồng, xin gửi tặng cho Chương trình Túi ngủ Ngàn thu đợt này”.
Cuối cuộc họp, nhóm đã quyết định trong đợt một sẽ chuyển vào TP. Hồ Chí Minh một máy thở, 1.000 Túi ngủ Ngàn thu tới Nhà tang lễ Viện quân y 175, 1.000 túi ngủ tới Ban tang lễ Quốc gia phía Nam và mua bốn tấn rau củ. Đồng thời, nhóm cũng gửi vào Bình Dương thêm 100 suất quà gồm thuốc men và thực phẩm nhờ sư thầy Thích Thanh Văn và các Phật tử tại đây chia giúp.
Những chuyến xe đoàn kết
Cuộc họp vừa kết thúc, anh Nguyễn Ngọc Minh đã tính toán ngay xem đội xe bán tải tám chiếc trong nhóm thiện nguyện của anh sẽ cần đi bao nhiêu chuyến, tốn bao nhiều xăng xe và trước hết làm sao để bốn tấn rau củ vào TP. Hồ Chí Minh được an toàn, đảm bảo.
Anh bộc bạch: “Mua chiếc xe bán tải dùng cho việc công ty và giờ nó được gọi là xe từ thiện”. “Đúng với cái tên ‘Đội xe Đoàn kết’ nhóm chúng em rất thống nhất trong các hoạt động. Vừa tự bỏ tiền xe, tiền mặt, vừa có sự hỗ trợ thêm của các mạnh thường quân bên ngoài, chúng em vừa mới mua thêm được một chiếc xe cứu thương, dự tính tháng tới sẽ lăn bánh. Khi nào có, chúng tôi sẽ thông báo số điện thoại đường dây nóng để người bệnh gọi khi cần”, Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ một cách tự hào.
Ngồi cạnh chúng tôi, nghe những chia sẻ của Phật tử Nguyễn Ngọc Minh, thầy Thích Đạo Thắng chia sẻ: “Chúng tôi làm từ thiện bằng tâm, không cần làm truyền thông hay PR nên nhà báo viết sao để độc giả đừng hiểu nhầm gì cả. Tám năm làm từ thiện cũng là tám năm tôi bước chân vào cửa Phật, thị phi, soi mói, khen chê tôi nhận đủ cả. Có người còn bảo: “Việc chính của thầy là tu và dạy đạo cho mọi người, sao lại làm từ thiện? Tôi trả lời: “Nhân tu vạn hạnh. Mỗi người một nhân duyên. Tôi còn nợ với đời, nên tôi làm trả ơn cho đời”.
Chia tay hai thầy trò Đại đức Thích Đạo Thắng, tôi thầm cảm ơn nghề nghiệp đã trở thành cơ duyên để tôi gặp gỡ những tấm lòng nhân ái giữa đời. Họ giúp đời chẳng quản nhọc nhằn, nguy hiểm. Và, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 này chắc chắn sẽ sớm kết thúc nhờ những tấm lòng lăn xả vì xã hội như thế.
| Người tự điều trị Covid-19 tại nhà có được cấp 'thẻ xanh'? Việc cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh cho các trường hợp F0 tự điều trị tại nhà và 'thẻ xanh Covid-19' đang nhận được nhiều ... |
| Cuộc sống ở Cao Bằng - nơi duy nhất 'vắng bóng' Covid-19 tại Việt Nam Phan Quốc đến du lịch Cao Bằng và không thể trở về TP. Hồ Chí Minh vì dịch bất ngờ, hơn hai tháng ở lại ... |