Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2016. (Ảnh: VOV) |
Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng và Việt Nam đã tham gia, ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 Hiệp định FTA thế hệ mới với Liên minh Châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là cơ sở pháp lý sẽ mở ra cơ hội và không gian phát triển kinh tế rộng lớn hơn, nhưng thách thức, cạnh tranh cũng sẽ ngày càng gay gắt, ngay cả trên thị trường trong nước.
Hội nghị không chỉ tập trung bàn các biện pháp đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại, công tác thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại mà còn thảo luận nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết mang lại, nhằm góp phần đẩy mạnh xuất khẩu đến các nước trên thế giới cũng như nâng cao thương hiệu hàng Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Công Thương, trong đó có sự hoạt động tích cực, hiệu quả của các cơ quan Thương vụ, các Tham tán thương mại ở các quốc gia đối tác.
Thủ tướng chỉ rõ, trong điều kiện, bối cảnh đất nước đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngành Công Thương cần tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế. Việc hoàn thiện, cải thiện thể chế là một trong những yếu tố có ý nghĩa quyết định, nếu không sẽ không phát huy, tận dụng được tối đa các cơ hội, thuận lợi do hội nhập quốc tế mang lại.
“Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào thể chế, quản trị quốc gia. Chúng đã hội nhập sâu rộng, chúng ta đã mở được thị trường, chúng ta phải xây dựng văn bản luật, Nghị định, thông tư… để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm chi phí, nâng cao được sức cạnh tranh” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương cần quan tâm hơn nữa đến công cuộc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Chủ động, kịp thời phát hiện các rào cản thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó, đấu tranh; chủ động thông tin, tư vấn để phòng tránh các tranh chấp thương mại, đầu tư đi liền với bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện các cam kết quốc tế để các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo khai thác được các cơ hội thuận lợi và hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi trong hội nhập.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ quan thương mại phát triển; tập trung hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự mình vươn lên, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của chính mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm kiện toàn tổ chức các cơ quan Thương vụ; mong muốn các Thương vụ, các Tham tán thương mại luôn phát huy được tinh thần chủ động, tích cực trong công tác nghiên cứu chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại; chủ động tham mưu đối với ngành trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Đồng thời, các Thương vụ, các Tham tán thương mại phải luôn phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiến thị trường và ký kết hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm hiểu thông tin về đối tác.
“Đội ngũ làm thám tán thương mại phải thực sự là những nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực kinh tế, chính trị; phải phát huy được tinh thần trách nhiệm cao nhất trước đất nước, trước nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, các thương vụ Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng, tích cực và chủ động hoàn thành các nhiệm vụ được giao, thực hiện vượt mức các kế hoạch định hướng xuất khẩu, góp phần vào thành công chung của ngành công thương.
Thương vụ Việt Nam đã tạo thành một hệ thống liên kết giữa trong nước và nước ngoài, giữa các nước với nhau, đảm bảo Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác thị trường nước ngoài. Hệ thống Thương vụ đã có truyền thống, uy tín, được cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế và đối tác nước ngoài của Bộ ghi nhận, đánh giá cao và thường xuyên liên hệ công tác.
Để thực sự là chỗ dựa cho doanh nghiệp trong nước, thời gian tới, các thương vụ cần tập trung xúc tiến xuất khẩu, chủ động đề xuất phương hướng xúc tiến trọng điểm từng ngành hàng.