📞

Thám tử "Văn hóa"

15:39 | 26/04/2014
Tôi nhớ đến một cuốn tiểu thuyết Pháp đọc hồi còn trẻ: Một anh chàng giàu có ở Paris một hôm tình cờ đi qua một cái ngõ mang tên một người không nổi tiếng. Anh nảy ra ý định tìm hiểu xem ai đã được đặt tên cho ngõ ấy. Và thế là anh bỏ hàng chục năm đi điều tra, vào tòa thị chính các thành phố, làng xóm, hỏi dân các địa phương, lùng các thư viện để thỏa mãn tri thức. Sự tò mò tìm hiểu ấy đã đem lại cho đời anh một lẽ sống.
Trí thức và thông dịch viên làm việc cho quan Khâm sứ Hà Nội.

Ở Việt Nam, tôi không ngờ lại có một trường hợp tương tự, nhưng có ý nghĩ đóng góp cho xã hội hơn nhiều! Chuyện chị Chân Quỳnh, Việt kiều ở Pháp. Có lần chị về Hà Nội để dự một cuộc hội thảo của Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Người nhỏ nhắn, tóc đã đốm bạc, ăn nói nhẹ nhàng, áo quần giản dị. Chỉ dăm ba câu trao đổi, chúng tôi đã thấy hợp chuyện, vì cùng thế hệ trên dưới bát tuần, cùng học thời Pháp và cùng là dân Hà Nội chính cống, chị gốc Hàng Bồ, tôi Hàng Gai. Mặc dù rời Việt Nam vào tuổi 21, sau hơn nửa thế kỷ, chị vẫn nhớ như in Hàng Bồ với những ngôi nhà lớn như cửa hiệu Quảng Hưng Long, trụ sở báo chữ Tây của Phạm Lê Bổng, nhà in Lê Cường... Gia đình chị là tư sản nhỏ, có cửa hàng đồ dệt với khoảng chục công nhân dệt. Năm 1952, ở Hà Nội, bố mẹ chị cho con trai sang Pháp để tránh bị bắt lính, chị Quỳnh đã học trường Albert Sarraut, đòi đi cùng em sang Pháp học. Chị được học 4 năm ở thành phố dệt Lyon và tốt nghiệp Trường cao học kỹ thuật dệt. Tiếc thay, vì dị ứng với hóa chất, chị chuyển sang học Anh ngữ và đỗ tiến sĩ Trường Sorbonne - Paris, từ kỹ thuật chuyển sang văn chương. Chị tham gia dịch thơ Việt sang tiếng Anh và cộng tác với một số tạp chí hải ngoại. Chị cũng dịch một số tuyển tập truyện ngắn nước ngoài sang tiếng Việt, nhan đề là Hoa thơm cỏ lạ.

Nhưng công phu nhất và có giá trị nhất là hai tập của bộ sách nghiên cứu về khoa cử Việt Nam: Thi hương (425 trang) và Thi hội, thi đình (515 trang khổ to) có những ảnh lịch sử rất quý, tầm cỡ các tác phẩm của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp. Bộ sách này ra đời do một sự ngẫu nhiên, biến chị Quỳnh thành một "thám tử văn hóa" bất đắc dĩ. Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Năm 1985, đã ngoài năm chục tuổi, chị mua được cuốn sách của người Pháp viết về Đông Dương có một loạt ảnh về lễ xướng danh trường thi Hà Nam năm 1897 (do Salles chụp). Chị thích quá vì đã đọc sách về thi cử của Ngô Tất Tố và Chu Thiên. Chị nảy ra ý nghĩ sưu tầm bộ ảnh đầy đủ hơn. Được biết là ở Thư viện Quốc gia Paris còn 2 chiếc bưu ảnh thời kỳ này. Chị xuống thang máy 5-7 tầng hầm, tìm ra hai tấm bưu thiếp đã mờ. Hiểu biết kỹ thuật ảnh, chị định xuất bản một cuốn sách ảnh, kèm thơ văn về thi cử và một ít chú thích đơn giản, cho đối tượng là Việt kiều và người nước ngoài. Bản thảo xong từ năm 1989, sau chị thấy cần viết lại kỹ hơn, vì phần chú thích vẫn còn nhiều nghi vấn lịch sử. Bản thảo cuốn sách phổ thông dày dần thành sách nghiên cứu, đòi hỏi công phu tìm tòi, điều tra. Chị bảo: "Vì mới đầu cần chú thích ảnh, tôi phải tìm tòi và khám phá ra là các sách sử của ta viết không giống nhau, cần tìm ra ai đúng ai sai, tìm ra các bằng chứng, tôi dần vui thích với công việc mình làm. Ấy là chưa kể nhờ đọc sách, tôi đã mở rộng kiến thức, sửa được những ý nghĩ sai lầm của mình. Khoa cử xưa không phải chỉ là thi văn chương, kỳ thi văn sách bàn về thuật trị nước mới là trọng yếu".

Xin kể lại một số vụ rắc rối mà "thám tử văn chương" chị Quỳnh đã điều tra được. Vụ cái biển "phụng chỉ": sao chữ trên lại nhỏ, chữ dưới lại to và lệch sang bên phải? Lại viết ngược, chữ trên là chỉ, dưới là phụng. Tìm hiểu, thì ra: chữ Nho đọc từ phải sang trái, phụng là việc của quan, viết nhỏ, chỉ là việc của vua, ra lệnh nên viết to. Vụ tài liệu Pháp ghi địa danh không có dấu, tra mãi mới ra Cau Do là Cầu Đơ (chỉ Hà Nội). Rivière de Thu là sông Thù (điển tích trong kinh Lễ). Vụ thời trước có học Nam sử không hay chỉ học Bắc sử? Phải chăng khi Pháp cải cách khoa cử năm 1909 mới đưa Nam sử vào chương trình? Nghiên cứu thì thấy các cụ đã học Sơ học vấn tân, một phần ba về Nam sử. Việc toàn quyền Paul Doumer bôi nhọ Văn thân, cho là vì các nhà Nho thi hỏng nên bất mãn. Việt kiều có người hỏi: thời hiện đại hóa, bỏ hàng chục năm nghiên cứu khoa cử xưa có ích gì? Chị đáp là để đóng góp cho quốc học, để hiểu ông cha ta đã đào tạo tri thức tu thân trị quốc thế nào, đạo Nho đến nay vẫn có chỗ đứng, khoa cử liên quan đến vận mệnh nước nhà trong gần nghìn năm. Sao ta không quan tâm?

Hữu Ngọc