📞

Tham vọng của Trung Quốc trong cuộc đua phát hành tiền kỹ thuật số

Khánh Linh 11:00 | 04/03/2021
TGVN. Trong khi Mỹ có phần thận trọng trong việc phát hành tiền kỹ thuật số thì Trung Quốc lại đặt niềm tin vào đồng tiền này và có dấu hiệu bỏ xa các quốc gia khác trên "sân chơi" mới.
Một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử eCNY tại Trung Quốc. (Nguồn: New York Times)

Cô Annabelle Huang (28 tuổi) đến từ Thâm Quyến đã may mắn trúng giải đặc biệt trong một cuộc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Chính phủ Trung Quốc.

Thông qua mạng xã hội WeChat, cô nhận được 200 Nhân dân tệ tiền điện tử (hay còn gọi là eCNY), trị giá khoảng 30 USD. Để chi tiêu, Huang sẽ đến các cửa hàng có chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử eCNY, sau đó quét mã QR thanh toán món đồ mà cô muốn mua.

Annabelle Huang chia sẻ, việc thanh toán thông qua eCNY rất giống với các ứng dụng thanh toán khác của Trung Quốc mà trước đó cô đã từng sử dụng, mặc dù việc sử dụng loại tiền kỹ thuật số này vẫn chưa thực sự thuận tiện.

Công cụ mới của chính phủ

eCNY là loại tiền kỹ thuật số được Chính phủ Trung Quốc phát hành và hậu thuẫn. Được đánh giá là đồng tiền có nhiều tiêu chuẩn khác biệt so với tiền mặt hay các loại tiền kỹ thuật số khác đang được lưu hành tại Trung Quốc, eCNY đã được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa vào thử nghiệm từ năm ngoái tại 4 thành phố. Thời gian gần đây, Trung Quốc tiếp tục mở rộng thử nghiệm tiền kỹ thuật số này tại các thành phố lớn hơn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Việc phát hành đồng Nhân dân tệ điện tử eCNY nằm trong nỗ lực của các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm đưa các hình thức tiền kỹ thuật số mới vào lưu thông với mục tiêu tạo điều kiện cho người dùng dễ tiếp cận các công cụ tài chính trực tuyến.

Khác với Bitcoin, vốn được thiết kế để không phụ thuộc vào sự kiểm soát của bất kỳ công ty hay chính phủ nào, các loại tiền kỹ thuật số thường do ngân hàng trung ương các nước phát hành, giúp các chính phủ có thể dễ dàng kiểm soát về tài chính.

Bên cạnh đó, tiền kỹ thuật số có thể thay thế tiền mặt, qua đó các chính phủ có thể dễ dàng theo dõi các giao dịch tài chính để ngăn chặn hành vi trốn thuế, rửa tiền hoặc tham nhũng.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), trong 12 tháng qua, đã có hơn 60 quốc gia triển khai thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số quốc gia, tăng đáng kể so với con số chỉ hơn 40 quốc gia tham gia một năm trước đó.

Các quốc gia như Thụy Điển hay Bahamas thậm chí đã phát hành tiền kỹ thuất số trên quy mô toàn quốc, áp dụng cho mọi người dân.

Ngược lại, ở Mỹ, ý tưởng về việc triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia mới đang dừng lại ở các nghiên cứu cơ bản.

Chia sẻ với tờ New York Times tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng, việc phát hành một loại tiền kỹ thuật số của Mỹ là "hoàn toàn khả thi vì nó mang lại nhiều lợi ích trong thanh toán, bảo mật và chi phí rẻ hơn".

Trong khi Mỹ có phần thận trọng trong việc phát hành tiền kỹ thuật số thì Trung Quốc lại đặt niềm tin vào đồng tiền này và có dấu hiệu bỏ xa các quốc gia khác trên "sân chơi" mới này.

Yaya Fanusie, một thành viên của Trung tâm Sức mạnh Kinh tế và Tài chính nhận định: "Đây không đơn thuần chỉ là một loại tiền mà còn là một công cụ mới để thu thập dữ liệu theo thời gian thực, từ đó khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên thông minh hơn".

Dù chính phủ Trung Quốc hiện vẫn chưa xác nhận thời điểm nào sẽ chính thức áp dụng eCNY trên quy mô toàn quốc nhưng một số quan chức nước này đã đề cập đến việc sử dụng đồng tiền này cho khách du lịch đến tham quan Thế vận hội 2022 tổ chức tại Bắc Kinh.

Các bài báo và bài phát biểu gần đây của các quan chức nước này cũng nhấn mạnh tham vọng của Trung Quốc đối với dự án tiền kỹ thuật số và mong muốn trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này.

Giao diện ví điện tử sử dụng eCNY của một người dùng. (Nguồn: New York Times)

Sân chơi cạnh tranh mới

“Quyền phát hành và kiểm soát tiền kỹ thuật số sẽ trở thành một sân chơi cạnh tranh mới giữa các quốc gia quyền lực. Trung Quốc có nhiều lợi thế và cơ hội trong việc phát hành tiền kỹ thuật số quốc gia, vì vậy Chính phủ nên tăng tốc để nắm bắt", một bài báo trên tờ China Finance - Tạp chí của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đăng tải vào tháng 9/2020.

Eswar Prasad, cựu Giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, WeChat Pay và Alipay là những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy việc phát hành eCNY thành công. Cả hai ứng dụng thanh toán điện tử này đã tạo nên một hệ sinh thái tài chính thay thế mới khiến các quan chức Trung Quốc lo ngại và đẩy nhanh việc triển khai dự án tiền điện tử eCNY để "đấu lại" với Jack Ma - người sáng lập Tập đoàn Alibaba và Ant Financial - công ty sở hữu Alipay.

Nếu dự án eCNY thành công, nó sẽ mang lại cho PBoC những quyền lực mới, bao gồm các loại chính sách tiền tệ mới hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Trong một kịch bản mà các nhà kinh tế đưa ra, PBoC còn có thể đưa ra chính sách khiến đồng tiền kỹ thuật số từ từ mất giá để khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu ngay lập tức.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có thể giúp đồng Nhân dân tệ dễ dàng cạnh tranh với USD như một loại tiền tệ toàn cầu vì có thể tự do di chuyển ở thị trường quốc tế với ít rào cản hơn. Tuy nhiên, theo một số quan chức và nhà phân tích Trung Quốc, còn cần nhiều thay đổi khác để điều đó xảy ra.

Ngoài tham vọng dẫn đầu trong cuộc chạy đua phát hành tiền kỹ thuật số, eCNY còn giúp chính phủ Trung Quốc có thêm quyền lực trong việc giám sát dòng tiền vì mọi giao dịch phát sinh đều được ghi lại. Dù vậy, điều này cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng.

(theo New York Times)