Sau hơn bốn thập kỷ, những phân tích, đánh giá về đoạn kết của cuộc chiến tranh đã chia cắt mảnh đất Việt Nam 21 năm trong thế kỷ XX đã tiến gần với sự thật lịch sử hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tiếng nói khác nhau để trả lời những câu hỏi về hồi kết của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: Mỹ thắng hay thua trận? Có phải Chính quyền Sài Gòn sụp đổ vì bị Mỹ “bỏ rơi”?
Sự kiện ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đã đánh dấu thắng lợi của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất không thể chia cắt của nhân dân Việt Nam. |
Ngày ấy…
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình Không hoà bình, chẳng danh dự, Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam, GS Larry Berman dẫn lời của Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói rằng họ có thể nhìn thấy miền Nam Việt Nam thất bại nhưng muốn sự thất bại đó không diễn ra trong nhiệm kỳ của mình. R. Nixon muốn một tình trạng bế tắc vô hạn định bằng cách sử dụng B52 bảo vệ miền Nam Việt Nam cho đến hết nhiệm kỳ tổng thống - Hiệp định Paris có thể tạo cớ cho Mỹ can thiệp vào Nam Việt Nam, tuy nhiên, vụ Watergate đã làm hỏng những toan tính đó. Một số tiếng nói giận dữ và oán hận từ Nguyễn Văn Thiệu và phụ tá thân cận - những đồng minh bị thất bại của Mỹ - cho rằng Thiệu thua vì Mỹ đã phản bội và bỏ rơi Nam Việt Nam, thậm chí cho rằng Nam Việt Nam đã thua vì vừa phải đối phó với kẻ thù Bắc Việt vừa phải đối phó với đồng minh Mỹ của mình.
Trong quá trình đi đến hoà bình ở Việt Nam, Mỹ buộc phải “xuống thang” từng bước để rút ra khỏi cuộc chiến tranh, nhưng trong quá trình “xuống thang” đó, họ vẫn có nhiều bước “leo thang” mới để tiếp sức cho quân đội Sài Gòn. Trước khi ký Hiệp định Paris, Mỹ đã gấp rút thực hiện kế hoạch Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus (Tăng cường thêm nữa) nhằm củng cố sức mạnh cho quân đội Sài Gòn đủ sức đứng vững sau khi quân Mỹ rút đi.
Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, cầu hàng không đã đổ cho quân đội của Thiệu 700 máy bay, 500 pháo các loại, 400 xe tăng và xe bọc thép, bổ sung 2.000.000 tấn dự trữ vật tư chiến tranh. Những bước “leo thang” đó phản ánh sự không thay đổi về những mục tiêu chiến lược của Mỹ. Nhưng có thể thấy ngay rằng dù có sự tiếp sức cấp tốc đó, sau khi quân Mỹ rút đi, quân đội Sài Gòn không thể làm nổi những gì mà hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn 7 triệu tấn bom đạn đã không làm được những năm trước đó.
Nhìn “từ bên ngoài”, Sài Gòn sụp đổ không phải vì bị Mỹ “bỏ rơi”. Một loạt các yếu tố chính trị - xã hội trong và ngoài nước Mỹ khi đó đã ràng buộc nhiều quyết định của Mỹ, không cho phép Mỹ đưa quân hoặc “tối thiểu” cũng là mang B52 quay lại Việt Nam để cứu Sài Gòn. Điều duy nhất Mỹ có thể làm khi đó là thực hiện Chiến dịch Gió lốc (Operation Frequent Wind) - cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử - đưa khẩn cấp những nhân viên Mỹ và những người thân Mỹ được lựa chọn từ Sài Gòn ra Hạm đội 7 bằng trực thăng của quân đội Mỹ. Chiến dịch này kết thúc lúc 7 giờ 51 phút sáng (giờ Sài Gòn) ngày 30/4/1975.
Nhìn “từ bên trong”, chính quyền Thiệu, tiếp nối những chính quyền trước đó do Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng là một chính quyền không có dân chúng. Lý do tồn tại của nó là chiến tranh và nguồn sống của nó chỉ là viện trợ Mỹ. Bộ máy của chính quyền này bị mục ruỗng vì nạn tham nhũng đến mức đã báo hiệu sự cáo chung, bị hư hoại vì hàng loạt những vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội nảy sinh và chưa giải quyết được sau khi quân Mỹ rút đi và viện trợ Mỹ bị cắt giảm.
Sự sụp đổ của Sài Gòn tại thời điểm 30/4/1975 là hệ quả trước hết và tất yếu do sự suy yếu về mọi mặt của chính quyền Thiệu. Sự suy yếu này được thúc đẩy và bị làm trầm trọng thêm bởi những tính toán và quyết định sai lầm về sách lược chính trị và chiến thuật quân sự của Thiệu và bộ tham mưu của ông ta. Thất bại về chiến dịch ở Buôn Ma Thuột đã biến thành thất bại về chiến lược trên toàn miền Nam Việt Nam. Kế hoạch rút quân đã không cứu được lực lượng của Thiệu ở Tây Nguyên. Không những thế, nó đã gây ra làn sóng hoảng loạn lan khắp mọi nơi làm suy yếu tinh thần quân đội Sài Gòn. Việt Nam Cộng hòa đã tan rã nhanh chóng và sụp đổ.
…và bây giờ
Vượt qua những thử thách khốc liệt của lịch sử, sự kiện ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đã đánh dấu thắng lợi của ý chí độc lập tự do, của tinh thần dân tộc thống nhất không thể chia cắt của nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ đã kết thúc trong xu thế tất yếu của lịch sử - xu thế thống nhất, hòa bình. Thắng lợi đó cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên xây dựng trong hòa bình.
Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam đã và đang được tiếp tục tiến hành là kết quả của những sự vật lộn, tìm tòi để vượt qua biết bao khó khăn từ chiến tranh để lại. Chặng đường đó cũng đã hơn 30 năm. Một lần nữa nhân dân Việt Nam lại chiến thắng. Từ một “nền kinh tế thời chiến” nặng tính chỉ huy, bao cấp, Việt Nam đã từng bước chuyển đổi và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống con người đã và đang được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ, tương thích với sự phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân được định hướng xây dựng và hoàn thiện; dân chủ và công khai được mở rộng, những chương trình xã hội lớn: xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc những người có công,… đang được xúc tiến mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, khoảng thời gian hơn 40 năm chưa phải đã đủ làm nhòa bớt những vết thương của cuộc chiến tranh kéo dài với bao bom đạn. Ký ức và hậu quả nặng nề vẫn còn đè nặng mỗi gia đình đã từng tham gia cuộc chiến. Vết tích chiến tranh vẫn còn hiện hữu và gây đau khổ hàng ngày cho hàng triệu nạn nhân, ở cả Việt Nam và Mỹ, nhất là những nạn nhân của dioxin. Nhân dân Việt Nam không quên quá khứ đau thương đó nhưng không nuôi dưỡng lòng thù hận. Nhớ lại đau thương từ chiến tranh còn để trân trọng giá trị cao quý của hòa bình, để chúng ta hướng tới tương lai, hợp tác và cùng phát triển. Trên con đường đó, đường lối đối ngoại Việt Nam được xác định: “... thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII).
Trước những tình huống mới phức tạp nảy sinh từ bối cảnh mới, chúng ta nhớ, tìm đọc/học lại và tâm đắc phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước khi Người sang Pháp (từ tháng 5 đến tháng 9-1946) nỗ lực vãn hồi nền hòa bình ở Việt Nam đang bị đe dọa nặng nề bởi âm mưu xâm lược của các thế lực muốn duy trì ách cai trị thực dân. Hôm nay, “cái bất biến” luôn là Độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là những điều bất khả xâm phạm. Trong những diễn biến bất ổn và khó dự báo của địa - chính trị, địa - kinh tế thế giới, Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của biến cố và những vòng xoáy do biến cố gây ra. Việt Nam không thể thụ động mà cần phải chủ động ứng phó với những biến động từng ngày, thậm chí từng giờ. Cần phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” trong những giai đoạn nhất định, trước những tình huống cụ thể để đạt được mục tiêu đưa đất nước phát triển tiến lên nhưng tuyệt đối không được làm tổn hại đến “cái bất biến”.