📞

Tháng Tư ở Tây Đô

10:28 | 09/05/2012
Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình gặp gỡ giao lưu giữa đại diện 13 tỉnh/thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng đại diện các Tổ chức quốc tế, đại diện của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) cùng Đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL và Đại diện Đoàn Ngoại giao chủ trì Hội nghị.

Từ sân bay quốc tế Cần Thơ, xe bon bon trên đại lộ Võ Văn Kiệt đưa chúng tôi về trung tâm Thành phố. Vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử, trên khắp các ngả đường ở thủ phủ của miền Tây Nam Bộ đâu đâu cũng thấy cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu kỷ niệm 37 năm ngày Thống nhất đất nước và triển lãm thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm đến hấp dẫn

Trong thành phần đoàn công tác của Bộ Ngoại giao vào phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP. Cần Thơ tổ chức hội nghị "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn" tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay sau 10 năm trở lại. Những chuyến phà xuôi ngược ngày đêm qua sông Hậu bây giờ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức của người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thay vào đó là cây cầu Cần Thơ, cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á như một con rồng đang uốn lượn giữa hai bờ Hậu Giang.

Đồng bằng sông Cửu Long còn gọi là miền Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương. Thành phố Cần Thơ là thủ phủ Miền Tây xưa kia có tên gọi là Tây Đô. Ngày nay, ĐBSCL có một vị trí đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm, nơi sản xuất nông nghiệp, cây trái và chế biến thủy sản lớn nhất cả nước.

Được coi là vựa lúa của khu vực, ĐBSCL có vai trò rất quan trọng đối với an ninh lương thực, không chỉ ở Đông Nam Á mà với cả trên thế giới. Nằm ở vị trí chiến lược về kinh tế, an ninh chính trị và quốc phòng của đất nước, ĐBSCL có đường biên giới trên bộ và trên biển thuận lợi trong quan hệ với Campuchia và các nước ASEAN.

Bên cạnh đó ĐBSCL còn có tiềm năng lớn về dầu khí và du lịch. Cảnh quan sinh thái đa dạng của vùng sông nước, đồng bằng và biển đảo với tài nguyên thiên nhiên phong phú, với những danh lam thắng cảnh tươi đẹp và nhiều công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng, ĐBSCL đang là điểm đến hấp dẫn đối các nhà đầu tư nước ngoài và du khách.

Những kết quả ấn tượng

Sau 10 năm triển khai thực hiện nghị quyết 21- NQ/TW của Bộ Chính trị, tại hội nghị "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn" được tổ chức tại TP. Cần Thơ vừa qua, ông Trần Phi Hổ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã dánh giá: Trong 10 năm qua, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Giá trị sản xuất hàng hóa tăng gấp 3,5 lần so với thời điểm năm 2002, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, sản lương lúa năm qua trên 22 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 4,6 tỷ USD/năm.

Hạ tầng giao thông có nhiều đột phá, thương mại dịch vụ và du lịch phát triển nhanh, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp hàng năm đón tiếp 19 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 1,5 triệu khách quốc tế. Giáo dục đào tạo và dạy nghề có nhiều chuyển biến góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì ĐBSCL còn nhiều tồn đọng, hạn chế. Phát triển công nghiệp vẫn còn trong quy mô nhỏ lẻ, 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa xứng với tiềm năng của vùng. Thu hút đầu tư nước ngoài chưa nhiều, nhất là đầu tư trực tiếp…Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém là do xuất phát điểm của vùng thấp. Chất lượng nguồn nhân lực, năng lực và trình độ quản lý điều hành nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Quy hoạch tổng thể về kinh tế xã hội và các quy hoạch ngành của vùng thiếu đồng bộ, còn chồng chéo…

Trong 10 năm tới, ĐBSCL phải phát triển nhanh hơn để rút ngắn khoảng cách so với các vùng miền khác. Quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy liên kết vùng đang là xu thế tất yếu, vì vậy việc phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong vùng là hết sức quan trọng…

Kết nối địa phương với đoàn ngoại giao

Cũng trong bài phát biểu khai mạc hội nghị "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn". Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình gặp gỡ giao lưu giữa đại diện 13 tỉnh/thành thuộc khu vực ĐBSCL với các vị Đại sứ, Tổng Lãnh sự và Trưởng đại diện các Tổ chức quốc tế, đại diện của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Chương trình "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn" là một trong những nỗ lực của ngành Ngoại giao Việt Nam cùng với các địa phương nhằm đẩy mạnh triển khai đường lối đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó có việc giới thiệu những tiềm năng, nhu cầu, cơ hội phát triển của địa phương để tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là về kinh tế. Chương trình góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam với các nước, đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài.

Dù có nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển toàn diện, xong ĐBSCL cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nổi bật là biến đổi khí hậu, bảo vệ và khai thác hiệu quả tài nguyên nước, tình trạng ngập lụt kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, v.v.. Đồng thời để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của mình, ĐBSCL có nhu cầu hợp tác quốc tế rất lớn về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao, kỹ năng quản lý tiên tiến. Hội nghị lần này sẽ là diễn đàn bổ ích để các địa phương khu vực ĐBSCL giới thiệu tiềm năng thế mạnh đặc thù, các cơ hội hợp tác, phát triển của mình với các Đại sứ, Tổng Lãnh sự, Trưởng Đại diện các Tổ chức quốc tế và đại diện các cơ quan Ngoại giao tại Việt Nam.

Thay mặt đoàn ngoại giao, Ngài El Houcine Fardani, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Morocco tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Ban Tổ chức, chúc mừng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức thành công Lễ khai mạc và các sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ-Triển lãm "Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long." Ngài El Houcine Fardani đánh giá cao sáng kiến của Bộ Ngoại giao và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn," coi đây là cơ hội quý giá để các thành viên trong đoàn ngoại giao tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế của vùng. Ngài El Houcine Fardani bày tỏ tin tưởng với các tiềm năng to lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy hải sản và du lịch, khu vực ĐBSCL sẽ vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng một chiến lược hiệu quả nhằm thu hút đầu tư trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đảm bảo phát triển bền vững.

Hà Huy Hoàng