Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Ủy viên đoàn chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN), Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản ý kiến được đưa ra tại Hội nghị “Hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới” diễn ra sáng nay (25/9), tại Hà Nội. Hội nghị do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Nhân kỷ niệm lần thứ 11 Ngày Tránh thai Thế giới (26/9), với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”, Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai. Đồng thời kêu gọi sự quan tâm và nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan có liên quan, đặc biệt là cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, các cơ quan đơn vị có liên quan và đông đảo giới truyền thông.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ. (Ảnh: PK) |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Doãn Tú cho hay, trong những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Tỉ lệ tăng dân số giảm, tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2017 là 76%, trong đó tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 57%.
“Các kết quả công tác DS-KHHGĐ đạt được đã góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân”, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Tú cũng đề cao thành công của chương trình DS-KHHGĐ đã hạn chế việc tăng thêm 20 triệu người trong những thập kỷ qua, giúp tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho công tác KHHGĐ sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Vì vậy, kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.
Nói về những lợi ích của việc phòng tránh thai hiệu quả, an toàn mang lại, ông Nguyễn Doãn Tú chia sẻ, người phụ nữ sẽ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đảm bảo mỗi đứa trẻ sinh ra đều là mong đợi của cha mẹ và cha mẹ sẵn sàng để nuôi dạy chúng.
“Việc tránh thai giúp mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ bao gồm cả nam và nữ trở thành những cha mẹ có trách nhiệm. Do đó, ngành dân số và các ngành có liên quan cần truyền thông để nâng cao ý thức làm cha mẹ có trách nhiệm cho mỗi người dân”, ông Nguyễn Doãn Tú cho hay.
Đồng thời, việc phòng tránh thai an toàn còn tránh được những tai biến sản khoa và tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đặc biệt, việc phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Khi mỗi gia đình không sinh quá nhiều con sẽ có điều kiện chăm sóc, giáo dục con tốt hơn, nâng cao đời sống kinh tế của mỗi gia đình.
Những bức tranh về công tác DS-KHHGĐ được trưng bày bên lề hội nghị. (Ảnh: PK) |
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028.
Hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống hiện đang tồn tại trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy, mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ.
Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này.
Nhìn lại, năm 2017, chương trình “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” đã tổ chức liên tiếp 12 hội nghị chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em là cán bộ nòng cốt của Hội LHPN Việt Nam tham gia.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, phát huy thế mạnh của 17 triệu hội viên trong cả nước, Hội LHPN Việt Nam sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản.
“Thành công của công tác KHHGĐ là tiền đề cho sự phát triển bền vững. Trong đó, vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền về các biện pháp tránh thai, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần tích cực thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ.