Ngày làm việc của một CTO như ông diễn ra như thế nào?
Tôi không chắc là mình có thói quen hàng ngày nào không. Với tôi, mỗi ngày là một ngày khác. Tôi thường rời nhà lúc 7 giờ và trở về vào 21 giờ 30. Tôi ăn tối rồi truy cập mạng khoảng một đến hai tiếng.
Thuận Phạm - Tổng Giám đốc công nghệ (CTO - Chief Technology Officer) Uber toàn cầu. |
Trong tuần, tôi dành nhiều thời gian nhất có thể cho công việc và cuối tuần là khoảng thời gian cho gia đình, đặc biệt con gái. Tôi thường đưa cháu đi học vẽ và karate, làm tài xế Uber cho cháu vào mỗi cuối tuần. Khi cháu vào lớp, tôi ngồi làm việc tại một tiệm Starbucks gần đó. Những điều này làm tôi thấy hạnh phúc. Tôi sẽ không phải là tôi nếu không có đam mê. Và đam mê đối với tôi là gia đình và công việc đang làm.
Nguyên tắc làm việc của ông có gì đặc biệt không?
Tôi thích gặp gỡ và dành thời gian trao đổi với mọi người. Tôi muốn tạo ra môi trường mở, nơi mọi người nghĩ rằng tôi không phải người khó tiếp cận.
Tôi rất thích nhận được những email chỉ ra tôi đã sai việc này việc kia. Nếu họ ngại phải nói ra những điều đó, tôi không thể hoàn thiện bản thân được. Đó là một phần của việc cải thiện bản thân và củng cố các mối quan hệ. Qua đó, tôi hiểu hơn về nguyện vọng của tổ chức cũng như các cá nhân để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho công ty.
Khi ông gia nhập, Uber mới hoạt động tại 60 thành phố với 40 kỹ thuật viên. Chỉ trong bốn năm, ông đã không ngừng phát triển khối kỹ thuật lên tới hơn 2.000 người, góp phần đưa dịch vụ này tới người dùng tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới. Công việc này có tạo nhiều áp lực cho ông?
Tôi tham gia Uber khi công ty phát triển quá nhanh, vượt qua khả năng đáp ứng của chúng tôi. Tôi phải sử dụng mọi trực giác, kinh nghiệm và nguồn lực để thực hiện những quyết định vô cùng khó khăn mà cần đưa ra ngay ngày hôm nay chỉ để sống sót và có cơ hội được đưa ra quyết định tiếp theo.
Những năm đầu, tôi thường thức dậy giữa đêm, từ hai đến ba lần trong tuần vì các vấn đề sập hệ thống hay hỏng hóc xảy ra. Thời gian sau, khi gặp thất bại, tôi thường đặt câu hỏi tại sao những thất bại đó lại xảy ra mặc dù tôi vẫn theo dõi. Trên thực tế, chúng ta không thể dự đoán trước mọi thứ. Những điều xảy ra là những điều tôi không dự báo được và áp lực cho tôi chính là ở chỗ đó.
Quan niệm của ông về thành công?
Tôi cho rằng, đằng sau bất cứ thành công nào cũng có rất nhiều thất bại. Trong 18 tháng đầu tiên làm việc tại Uber, tuần nào tôi cũng gặp ít nhất một lần thất bại, nhưng tôi không bao giờ để lãng phí điều đó. Nếu bạn đã phải trả giá cho lỗi lầm đó rồi, hãy để sự trả giá đó trở nên có giá trị. Tốt nhất khi gặp khủng hoảng, bạn phải biết chắt lọc mọi kinh nghiệm và hiểu biết từ khủng hoảng đó.
Ông Thuận Phạm (hàng đầu, thứ 4 từ trái) luôn được giới Startup Việt Nam ngưỡng mộ (Ảnh: H.T) |
Là người gốc Việt thành đạt tại Mỹ, ông có lời khuyên gì cho giới trẻ khi câu chuyện khởi nghiệp đang hấp dẫn ở Việt Nam?
Khi tốt nghiệp cách đây 26 năm, tôi hoàn toàn không biết tôi sẽ ngồi ở vị trí bây giờ, ý tưởng này chỉ bắt đầu từ cách đây bốn năm.
Vấn đề mà các bạn có thể làm và nên làm là lên kế hoạch để học hỏi tối đa. Hãy nghĩ về công việc mà bạn đang làm. Liệu nó có đang thử thách bạn, bắt bạn học thêm những điều mới? Bạn có cảm thấy vui khi học thêm điều mới hàng ngày, hàng tuần? Và nếu bạn bắt đầu cảm thấy chán công việc, hãy tìm một công việc mới với thử thách khó khăn hơn để có thể tối ưu hóa khả năng của bạn.
Trải qua tuổi thơ vất vả khi hòa nhập vào xã hội Mỹ và từng đi lên từ “con số 0”, ông có thể chia sẻ với các bạn trẻ Việt Nam kinh nghiệm bản thân?
Tôi không bao giờ cho phép bản thân tự thỏa mãn và luôn tìm thử thách mới. Tôi đã từng chuyển từ một công ty có quy mô vài nghìn nhân viên sang công ty 1.000 nhân viên, rồi sang công ty chỉ có 10 nhân viên...
Thời điểm duy nhất mà tôi cảm thấy dễ chịu là khi tôi hiểu về công việc mình làm, tôi có thể làm tốt nó. Nếu công việc không tạo cho tôi những thách thức, đó là lúc tôi tìm công việc mới.
Mặt khác, hãy chọn công việc mà bạn có thể đóng góp dựa trên những kinh nghiệm đã có. Khoảng 10-20 năm sau nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đã xây dựng được cho bản thân những gì và đó là lúc bạn thực sự có giá trị. Hãy làm thật tốt những việc của mình và các cơ hội sẽ tự tìm đến.
Thuận Phạm sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Ông sang Mỹ từ năm 10 tuổi và thi vào ngành khoa học máy tính tại Đại học MIT năm 1986. Sau khi tốt nghiệp năm 1991, ông bắt đầu những thử thách đầu tiên trong sự nghiệp của mình bằng việc vào làm tại HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick và VMWare. Ông gia nhập Uber vào năm 2013 và trở thành Tổng Giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu. Vào năm 2016, ông được vinh danh là “Niềm tự hào của nước Mỹ” (2016 Great Immigrants Honorees: The Pride of America) – giải thưởng vinh danh những người nhập cư có đóng góp nổi bật cho nước Mỹ. |