📞

Thanh niên Bộ Ngoại giao giao lưu với nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

11:31 | 23/07/2014
Trong không khí kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20/7/1954 -20/7/2014), sáng ngày 22/7, Đoàn thanh niên Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi nói chuyện, giao lưu với ông Trần Việt Phương, nguyên Thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người trực tiếp tham gia đoàn đàm phán của Nhà nước Việt Nam DCCH tại Hội nghị Geneva. Ông Trần Việt Phương đã nêu bật các bài học trong đàm phán quốc tế rút ra từ Hội nghị Geneva, liên hệ thực tế với tình hình ngoại giao hiện tại của nước ta và đưa ra lời khuyên cho các cán bộ ngoại giao trẻ.

Buổi nói chuyện đã thu hút sự tham gia của đoàn viên các chi đoàn trong Bộ Ngoại giao, Đoàn thanh niên văn phòng Chủ tịch nước và Đoàn thanh niên Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị.

Ngay khi bắt đầu buổi giao lưu, ông Trần Việt Phương đã đưa ra nhiều câu hỏi để thử thách sự hiểu biết của các cán bộ trẻ về Hiệp định Geneva cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng đã kiến giải sâu hơn về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trước thềm Hội nghị Geneva. “Thắng lợi của ta ở Điện Biên Phủ là chiến thắng của toàn bộ cuộc chiến kéo dài 9 năm của đất nước và nhân dân ta với Pháp, chứ không phải chỉ là chiến thắng của một chiến dịch nào”, ông Trần Việt Phương nói. Điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với Việt Nam nói riêng tại thời điểm đàm phán Hội nghị Geneva. Bởi kết quả ấy sẽ làm cho chính quyền Pháp cũng như những lực lượng giúp Pháp trong chiến tranh phải khiếp sợ, làm cho thái độ của Pháp đối với đoàn đàm phán Việt Nam phải thay đổi; đồng thời cũng có ý nghĩa lịch sử lâu dài là thúc đẩy, tạo thế cho những cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc trên toàn thế giới.

Ông Trần Việt Phương cũng nêu rõ cho các đoàn viên hiểu được sức ép của đoàn đàm phán Việt Nam khi tham gia một Hội nghị quốc tế, khi ta không hề có sự chủ động hay lựa chọn, khi thù nhiều hơn bạn và kể cả khi các nước được coi là bạn cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết tại bàn đàm phán. Ông đưa ra bài học đối với các cán bộ ngoại giao trẻ, đó là khi chúng ta có được sự chủ động trong đàm phán, nếu cần đa phương phải đa phương và cần song phương thì phải cố gắng hết sức để đàm phán song phương. Liên hệ với tình hình Biển Đông hiện nay, ông Trần Việt Phương cho rằng, biển Đông là hải lộ quan trọng trong giao thương quốc tế. Do đó, tranh chấp trên biển Đông sẽ có ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới. Vì vậy cần phải đảm bảo mọi vấn đề về biển Đông phải được giải quyết bằng đàm phán đa phương chứ không thể chỉ tiến hành đàm phán giữa Trung Quốc và từng nước đang tranh chấp.

Cuối buổi nói chuyện, ông Trần Việt Phương nhấn mạnh, trong đàm phán, mỗi người cần phải hiểu và nắm vững được nguyên tắc cơ bản và duy nhất, đó là đặt quyền và lợi ích của dân tộc, của đất nước mình lên cao nhất. Đặc biệt, quá trình đàm phán cần phải tự lực cánh sinh, dựa vào thực lực của mình chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của bất kỳ bên nào. Ông cũng khuyên các cán bộ ngoại giao trẻ hiện nay, tỉnh táo, học hỏi và trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm hơn nữa để có thể vững vàng trên bàn đàm phán quốc tế.

Thu HàẢnh: Minh Châu