📞

Thành phố học tập - Một xu thế toàn cầu

Thành Châu 14:16 | 29/02/2024
Các thành phố học tập đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập tại mỗi quốc gia và góp phần thúc đẩy hợp tác, hoà bình, phát triển toàn cầu. Trước tin vui Việt Nam vừa có thêm 2 thành phố trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, Báo Thế giới & Việt Nam có trao đổi với chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh về chủ đề này.
Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh. (Ảnh: NVCC)

Sự kiện TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào ngày 14/2 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ công chúng và những người làm chính sách. Dường như, việc phấn đấu để được công nhận là Thành phố học tập toàn cầu đang trở thành một mục tiêu quan trọng và một xu thế mới của các thành phố tại Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, thưa chị?

"Đây là kết quả của việc thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, qua đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây cũng là thành quả của sự quyết tâm, nỗ lực và phối hợp chặt chẽ trong thời gian qua của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cũng như sự đóng góp quan trọng của người dân địa phương".

Ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Ủy viên Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Những số liệu gần đây phản ánh rất rõ nét xu thế này. Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO ra đời từ năm 2013, đến năm 2019 Mạng lưới này có 160 thành viên. Tuy nhiên, từ năm 2020 tới 2024, số thành viên của Mạng lưới đã lên tới 356, tức là tốc độ tăng trưởng nhanh hơn gấp đôi trong khoảng thời gian chỉ bằng 2/3 so với trước đó.

Tại Việt Nam, số lượng hồ sơ gửi về Bộ Ngoại giao (qua Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin trình lên UNESCO cũng đã tăng lên đáng kể. Năm 2023, số lượng hồ sơ xin ứng cử của các thành phố Việt Nam đã vượt quá chỉ tiêu tối đa mà UNESCO dành cho một quốc gia.

Có nhiều lý do dẫn tới sự thay đổi trên, trong đó có các yếu tố liên quan đến quá trình đô thị hoá và toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới đang trải qua làn sóng tăng trưởng đô thị lớn nhất trong lịch sử. Hơn một nửa dân số thế giới hiện nay sống trong các thị trấn và thành phố, và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 5 tỷ người, trong đó 90% tốc độ tăng dân số của các khu đô thị sẽ diễn ra ở châu Á và châu Phi. Việt Nam của chúng ta không nằm ngoài làn sóng này.

Trong thời đại kinh tế tri thức, việc hình thành và phát triển nguồn vốn con người là điều kiện tiên quyết để phát triển các đô thị. Bên cạnh đó, với quy mô dân số và nền tảng cơ sở hạ tầng, sự tập trung các nguồn lực… thì các thành phố trở thành một trong những đòn bẩy quan trọng nhất để thúc đẩy việc xây dựng xã hội học tập ở mỗi quốc gia. Đây chính là lý do khiến thành phố học tập trở thành một trong những mục tiêu trong Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ Việt Nam cũng như ưu tiên hàng đầu của nhiều chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới.

Thực tế cho thấy, các thành phố là thành viên của mạng lưới năng động như Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO sẽ tận dụng được những lợi ích đa chiều trong bối cảnh toàn cầu hoá. Những lợi ích đó gồm: chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để học hỏi và áp dụng những phương pháp, chính sách thành công từ các địa phương khác; tìm ra các giải pháp và sáng kiến nhằm ứng phó với thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, di cư, bất bình đẳng, và công nghệ thông tin…; xây dựng mối quan hệ đa phương, mở ra cánh cửa cho hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau; tăng cường uy tín và danh tiếng quốc tế, tăng khả năng thu hút đầu tư, du khách và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là cách để các thành phố tận dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm phát huy và làm giàu tiềm năng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

Với những lý do trên, tôi tin rằng xu thế các thành phố gia nhập Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Việc TP. Hồ Chí Minh – một trong những thành phố lớn nhất cả nước và TP. Sơn La – một thành phố khu vực miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cùng sánh vai trở thành Thành phố học tập toàn cầu khiến nhiều người đặt câu hỏi về các tiêu chí và quy trình xét chọn của UNESCO. Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với UNESCO, cũng là người đồng hành cùng hai thành phố trong quá trình chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ, chị có thể chia sẻ thêm về điều này?

Để được công nhận là thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, các ứng cử viên phải vượt qua một quy trình xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, công bằng và minh bạch. Hồ sơ được đánh giá qua các vòng độc lập bởi Hội đồng gồm các chuyên gia uy tín trên thế giới do UNESCO thành lập.

Hội đồng sẽ xét duyện căn cứ trên 42 tiêu chí của Bộ tiêu chí Thành phố học tập và câu trả lời mà các thành phố cung cấp cho khoảng 20 câu hỏi trong mẫu đăng ký của UNESCO. Thông qua đó, Hội đồng sẽ tiến hành đánh giá và xem xét sự phù hợp của thành phố ứng cử với các tiêu chí đề ra.

Việc xét chọn của UNESCO không dựa trên quy mô hay điều kiện kinh tế - xã hội mà tập trung vào khả năng của thành phố trong việc thúc đẩy công bằng và chất lượng giáo dục, đa dạng văn hóa, cũng như phát triển bền vững. UNESCO đánh giá cao nỗ lực và cam kết của các thành phố trong việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng thành phố học tập, bất kể điều kiện ban đầu của họ ra sao.

Việc TP. Hồ Chí Minh và TP. Sơn La khác biệt về quy mô, điều kiện và đặc thù kinh tế - xã hội… mang lại cơ hội học hỏi lẫn nhau và tạo ra sự phong phú trong Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. TP. Hồ Chí Minh có thể chia sẻ những thành tựu và kinh nghiệm trong việc phát triển giáo dục và văn hóa đô thị, trong khi TP. Sơn La có thể đem đến những bài học quý giá trong việc bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống… trong một môi trường nhiều thách thức, với cơ cấu dân cư gồm 12 dân tộc anh em trong đó dân tộc thiểu số (Thái, Mông...) chiếm 55,7%. Đây là nét đặc thù cũng là giá trị độc đáo mà TP. Sơn La có thể đóng góp cho Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Nhìn nhận đúng về quy trình và các tiêu chí xét duyệt của UNESCO sẽ giúp các thành phố của Việt Nam, bất chấp vùng miền, điều kiện kinh tế - xã hội… có cách tiếp cận đúng đắn và tự tin hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ gia nhập Mạng lưới thời gian tới. Điều này cũng thể hiện sự công bằng, tính đa dạng và hội nhập của Mạng lưới này.

Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh, Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO chia sẻ, đây là tin vui đầu xuân Giáp Thìn đối với Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự ghi nhận của quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của các thành phố trong quá trình thúc đẩy học tập suốt đời cho mọi người dân ở địa phương. Đây cũng là bước triển khai cụ thể chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nền giáo dục và nguồn nhân lực".

Thành phố học tập Sơn La bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hoá truyền thống. Trong ảnh, lễ hội truyền thống với điệu Xòe Thái cổ. (Ảnh: NVCC)
Tống Liên Anh tại Đại học khai phóng Wesleyan, Mỹ

Tống Liên Anh là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục người lớn và học tập suốt đời. Chị tốt nghiệp loại xuất sắc Chương trình Thạc sĩ Giáo dục, trường Đại học Monash theo Học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và hai lần vinh dự được UNESCO trao tặng Học bổng học tập suốt đời.

Chị là chuyên gia/cố vấn của các tổ chức như UNESCO, DVV International, SEAMEO CELLL... Trong 10 năm công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, chị phụ trách các Đề án, chương trình thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.

Chị nhắc đến tính đa dạng như một yếu tố quan trọng của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Cụ thể hơn, tính đa dạng này thể hiện qua các khía cạnh nào? Chị có thể cho biết về ý nghĩa của việc đảm bảo tính đa dạng trong bối cảnh thế giới hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay?

Tính đa dạng của Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO thể hiện qua rất nhiều khía cạnh. Đầu tiên, đó là sự đa dạng về về địa lý. 356 thành phố tham gia Mạng lưới đến từ 79 quốc gia thuộc 5 châu lục và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sự đa dạng về địa lý của các thành phố thành viên giúp Mạng lưới này phản ánh được nhiều triết lý, phong cách và nhu cầu giáo dục khác nhau trên toàn cầu.

Tiếp theo là sự đa dạng về quy mô và cấu trúc dân số, văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng… của các thành phố. Điều này đóng góp vào sự phong phú và đa chiều của Mạng lưới, là nguồn lực quý báu để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau trong quá trình phát triển của các thành viên.

Bên cạnh đó, các thành phố tham gia có sự khác biệt tương đối lớn về cơ sở hạ tầng và điều kiện kinh tế - xã hội. Từ các thành phố với cơ sở hạ tầng hiện đại ở các quốc gia phát triển như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến các thành phố đang phải đối mặt với thách thức về kinh tế - xã hội và an ninh ở khu vực châu Phi, Trung Đông… đều có cơ hội có mặt trong Mạng lưới. Sự đa dạng này giúp các thành viên tìm ra những phương pháp và giải pháp phù hợp với từng bối cảnh cụ thể và chung tay giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tính đa dạng của Mạng lưới Thành phố học tập chính là tài sản chung của tất cả thành viên trong Mạng lưới. Trong bối cảnh hiện nay, nó không chỉ giúp tạo ra một cộng đồng quốc tế mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà còn là một phần quan trọng của hợp tác và phát triển toàn cầu. Sự đa dạng của các thành phố tham gia Mạng lưới không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là đòn bẩy để tạo ra một thế giới hòa bình, bền vững và phát triển.

Xin cảm ơn chị!