📞

Thanh tra Bộ Ngoại giao thực hiện phương châm “quản lý đến đâu thanh, kiểm tra đến đó”

Văn Toại 22:33 | 16/04/2021
Công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao đã và đang tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết, tập huấn công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao do Thanh tra Bộ Ngoại giao tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định ngày 15/4, các đại biểu đều nhất trí công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao trong năm 2020 tiếp tục khẳng định được vai trò và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thanh tra Bộ Ngoại giao đã tích cực triển khai các hình thức phù hợp để hỗ trợ các cơ quan ngoại vụ địa phương trong công tác chuyên môn, trong đó có việc hướng dẫn tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao năm 2020 và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 theo Định hướng chương trình thanh tra năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với phương châm “quản lý đến đâu thanh, kiểm tra đến đó”.

Ông Hồ Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan ngoại vụ địa phương trong việc triển khai nghiêm túc, đúng hướng, đúng kế hoạch, chủ động và sáng tạo công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành Ngoại giao trong năm 2020. (Ảnh: Văn Toại)

Đánh giá về kết quả công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao năm 2020, ông Hồ Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao, cho rằng: năm 2020 là năm các cấp, ngành và địa phương tập trung chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; sự bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình triển khai công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao tại các địa phương.

Trong bối cảnh như vậy, Kế hoạch thanh tra năm 2020 đã được Thanh tra Bộ Ngoại giao xây dựng theo hướng chủ động giảm gần một nửa số cuộc thanh tra chuyên ngành so với năm 2019. Dù vậy, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao tiếp tục được nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu để phát huy hiệu quả hơn nữa. Đối tượng, cách thức chuẩn bị, thành phần đoàn, nội dung, kết luận thanh tra được duy trì, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, mức độ đầu tư, nghiên cứu như các năm trước.

Thanh tra Bộ Ngoại giao đã hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra chuyên ngành tại các địa phương. Các cơ quan ngoại vụ địa phương nhìn chung đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về đối ngoại, ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản, hướng dẫn triển khai các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tại địa phương, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan, tổ chức của Trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Ngoại Giao trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ về công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao. (Ảnh: Văn Toại)

Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định chia sẻ kinh nghiệm của Sở Ngoại vụ Bình Định trong việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao tại địa phương, phối hợp thường xuyên, tích cực với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, góp phần đảm bảo an ninh – quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, qua đó từng bước khẳng định vai trò cần thiết, không thể thiếu của Sở Ngoại vụ trong hoạt động quản lý nhà nước về đối ngoại tại địa phương.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao năm 2021, ông Hồ Minh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao, đề nghị các cơ quan ngoại vụ địa phương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển biến tích cực và toàn diện hơn nữa, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu quy định về công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao để triển khai đúng, phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương và thực lực của các cơ quan ngoại vụ địa phương, dần chuẩn hóa công tác thanh tra (xây dựng kế hoạch, định hướng, trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu đối tượng, nội dung, văn bản pháp lý) phù hợp yêu cầu của địa phương, định hướng của Thanh tra Chính phủ và Bộ Ngoại giao. Chủ động hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra, linh hoạt lựa chọn hình thức kiểm tra, kiểm tra qua báo cáo nếu không đủ điều kiện và lực lượng thanh tra.

Thứ hai, tiếp tục tham mưu bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể của địa phương nhằm cụ thể hóa yêu cầu quản lý đối ngoại. Xây dựng bộ hồ sơ nguyên tắc phục vụ công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành phù hợp với yêu cầu của địa phương. Triển khai các cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch đã ban hành. Đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đối với các tổ chức và cá nhân được thanh tra.

Thứ ba, quan tâm công tác bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình triển khai công tác cho cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành ngoại giao.

Qua Hội nghị có thể thấy, công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao đã và đang tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại của Bộ Ngoại giao và các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao đã giúp chỉ ra những bất cập, tồn tại trong quản lý các hoạt động đối ngoại tại địa phương, giúp các cơ quan ngoại vụ địa phương thể hiện rõ chức năng quản lý nhà nước theo phân cấp thẩm quyền, đồng thời xác định rõ hơn vai trò của mình trong các lĩnh vực liên quan đến chức năng của nhiều sở, ban, ngành tại địa phương.

(từ Quy Nhơn)