📞

Thành tựu của ASEAN 2020 và vai trò của Việt Nam

Đại sứ, Tiến sĩ Luận Thuỳ Dương 09:29 | 24/12/2020
TGVN. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam đã hoàn thành trọng trách một cách xuất sắc, đạt được nhiều thành tựu thực chất.

Năm 2020 là một năm đặc biệt cho cả Việt Nam và thế giới. Đây là năm Việt Nam đảm nhận vai trò kép: Chủ tịch ASEAN (lần hai theo luân phiên) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (lần hai sau khi đã trúng cử với 192/193 phiếu bầu trong kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng LHQ tháng 6/2019). Đặc biệt, năm 2020 là năm cả thế giới đối diện với thảm họa y tế và kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong bối cảnh khó khăn, nhưng với nỗ lực lớn, biết gắn kết với nhau, và dưới sự dẫn dắt trong vai trò Chủ tịch của Việt Nam, ASEAN vẫn đạt được nhiều thành tựu.

Đại sứ Luận Thùy Dương tại một sự kiện của ASEAN do Myanmar chủ trì tháng 11/2019. (Ảnh: N.K)

Thành tựu của ASEAN

Về góc độ ASEAN, trước hết, ASEAN đã thể hiện sự đoàn kết với nhiều nỗ lực trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19, bao gồm việc thành lập Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN, lập Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN, và thông qua Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Thứ hai, ASEAN đã đẩy mạnh việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, hiện thực hóa các ưu tiên, đặc biệt chú trọng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân, đơn giản hóa nền hành chính công, và xây dựng môi trường xanh.

Thứ ba, ASEAN đã đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ lẫn nhau, qua đó thúc đẩy được ý thức cộng đồng, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi đến người dân; thúc đẩy được nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng; nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Diễn đàn khu vực ASEAN, Cấp cao Đông Á, Cấp cao ASEAN+1… tiếp tục thu hút được sự tham gia của các nước lớn, đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực. Quan hệ của ASEAN với các nước đối tác được tăng cường.

Thứ năm, ASEAN đã đón nhận thêm Cuba, Colombia và Nam Phi trở thành thành viên mới của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), cùng trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Thứ sáu, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) được cho là Hiệp định duy nhất quy tụ được sức mạnh kinh tế tập thể của các nước thành viên ASEAN với các nền kinh tế lớn trong khu vực, có ý nghĩa chiến lược đặt ASEAN vào vị trí trung tâm của các thỏa thuận kinh tế khu vực.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 tại Việt Nam ngày 12/11/2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Vai trò của Việt Nam

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp với nhiều thách thức, tuy nhiên Việt Nam đã hoàn thành trọng trách một cách xuất sắc, đạt được nhiều thành tựu thực chất.

Trước hết, Việt Nam đưa ra chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” cho năm 2020 là rất chính xác, đúng nguyện vọng của các nước ASEAN. Về gắn kết, Việt Nam đã khéo léo điều hòa được những khác biệt giữa các quốc gia thành viên ASEAN để giữ vững hình ảnh đoàn kết của Hiệp hội. Nhờ có sự gắn kết, đoàn kết trong nội bộ nên Việt Nam có được sự đồng thuận để xử lý hài hòa, hiệu quả các bất đồng với các đối tác bên ngoài.

Về thích ứng, chúng ta đã chủ động tổ chức tất cả các hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến và đều mang nội dung phù hợp với bối cảnh mới. Nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến. Điều này không chỉ cho thế giới và các nước thành viên khác trong ASEAN thấy sự linh hoạt và sáng tạo của Việt Nam, biến được “nguy” thành “cơ”, thách thức thành cơ hội, mà còn minh chứng cho năng lực công nghệ và khả năng của Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số.

Thứ hai, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, nhiều diễn đàn kinh tế, bàn về cách thức hợp tác kinh tế trong bối cảnh mới đã được tổ chức. Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN với Nhật Bản, với Trung Quốc và Hàn Quốc do Việt Nam chủ trì đều đề cập đến vấn đề lớn đang đặt ra cho các nền kinh tế đang bị đe dọa bởi những đứt gãy trong chuỗi cung ứng, tìm ra các biện pháp khôi phục, hợp tác, để tiếp tục phát triển.

Thứ ba, chúng ta đã nâng cao được vai trò và tầm vóc của Việt Nam khi tổ chức thành công các hội nghị đặc ngành, như Ðại hội đồng Liên Nghị viện các nước ASEAN - AIPA 41, Hội nghị Hội đồng Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Công an ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng… với dấu ấn riêng.

Thứ tư, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức các hội thảo/diễn đàn mới, lần đầu tiên, như tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 ứng phó với dịch bệnh Covid-19; Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN; Phiên họp đặc biệt tăng quyền năng cho phụ nữ trong kỉ nguyên số; Hội nghị trực tuyến Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN bàn đến sáng kiến thành lập cộng đồng Tình báo ASEAN, bàn đến các hợp tác trong vấn đề Biển Ðông.

Thứ năm, mặc dù bận rộn với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam vẫn kiểm soát được đại dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế-xã hội, làm cho bạn bè khu vực và quốc tế hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của Việt Nam. Do vậy, các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN đã ủng hộ tích cực những sáng kiến, các kế hoạch do Việt Nam đề xuất.

Thứ sáu, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không chỉ tổ chức thành công các cuộc họp nội, ngoại khối, mà còn có sáng kiến, tạo thuận lợi cho việc đi lại của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư để bảo đảm hoạt động của các chuỗi cung ứng, phân phối không bị gián đoạn, phục hồi sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn.

Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, là do, trước hết và trên hết, sự chỉ đạo thống nhất và sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cho các hoạt động đối ngoại quan trọng.

Hai là, chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, toàn diện của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp và các thành phần xã hội liên quan vào các hoạt động đối ngoại.

Ba là, Ủy ban ASEAN Quốc gia 2020 đã làm tốt nhiệm vụ đầu mối, phối hợp và triển khai các nhiệm vụ và hoạt động của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Bốn là, công tác chuẩn bị cho Năm ASEAN 2020 đã được khởi động sớm, từ năm 2018, và ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước, không chỉ về chương trình, nội dung, công tác hậu cần, mà cả công tác cán bộ, không chỉ cán bộ của Bộ Ngoại giao, cán bộ của các bộ ngành, địa phương, trong nước mà cả ở ngoài nước.

ASEAN hướng tới 2025

Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN khác chuẩn bị đầy đủ cho ASEAN bước sang giai đoạn mới, bằng việc thông qua Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; thông qua Bản Tường thuật về bản sắc ASEAN; ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng; nhất trí tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương, liên kết và tự do hóa kinh tế; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN; thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở và dựa trên luật lệ; sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 - làm khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển, thúc đẩy hoà bình và ổn định ở khu vực này.

Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã thông qua Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025, nhấn mạnh sự quan tâm nhiều hơn cho việc thúc đẩy quyền năng, vai trò của phụ nữ đối với hòa bình, an ninh, nâng tầm hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Với Việt Nam nói riêng, trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể.

Theo đó, Việt Nam phải: (i) tiếp tục duy trì, phát huy thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 để nâng tầm vị thế đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; (ii) triển khai tích cực các nhiệm vụ ưu tiên của ASEAN, nhất là các sáng kiến của ta đưa ra trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020; (iii) cùng các nước ASEAN không chủ quan trong ứng phó dịch Covid-19, đồng thời đẩy mạnh phục hồi tổng thể, bền vững nền kinh tế; và (iv) phải tranh thủ hiệu quả những cơ hội thuận lợi của Hiệp định RCEP.