📞

Thành tựu đối ngoại của Việt Nam và dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thongsavanh Phomvihane 14:33 | 26/06/2023
Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại chiêu đãi trọng thể chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/6/2021. (Nguồn: TTXVN)

Trên chặng đường lịch sử trưởng thành và phát triển với truyền thống và bản sắc tốt đẹp của Việt Nam trong mỗi giai đoạn được bồi đắp, phát huy và tỏa sáng trong thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển lên trở thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha và chính Người đã phát triển những giá trị đó lên tầm cao mới; kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc, truyền thống ngoại giao Việt Nam với tinh hoa văn hoá và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.

Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tự lực, tự cường phải gắn với đoàn kết quốc tế; phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; chăm lo, xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.

Trong hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là "phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ" để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn; luôn luôn phải "biết mình, biết người", "biết thời, biết thế" để "cương nhu kết hợp" theo diễn biến của khu vực và thế giới nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước, dân tộc Việt Nam anh em.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 14/12/2021 rằng: Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam anh em. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái.

Trong thực hiện đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác đối ngoại trong suốt 35 năm qua, nhất là kể từ khi Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào đánh giá cao những thành tựu nổi bật và có ý nghĩa lịch sử mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, luôn coi những thành tựu của Việt Nam nói chung, những thành tựu trong công tác đối ngoại nói riêng cũng chính là những thành tựu, là bài học kinh nghiệm quý báu cho đất nước Lào, cụ thể như sau:

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongsavanh Phomvihane, ngày 20/4/2023 (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam từ một nước bị bao vây, cấm vận đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, từ đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với công cuộc đổi mới.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, có quan hệ ngoại giao với 190 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 3 nước có quan hệ đặc biệt, 17 nước đối tác chiến lược và 13 nước đối tác toàn diện. Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.

Việt Nam đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa liên kết kinh tế sâu rộng.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã huy động sức mạnh to lớn của người Việt sinh sống tại nước ngoài, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện nay, Việt Nam đã chủ động đóng góp có trách nhiệm vào sự nỗ lực chung của quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tranh thủ được sự hỗ trợ của quốc tế về vắc-xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, đóng góp quan trọng vào việc phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam coi trọng công tác đối ngoại, đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Có thể nhận thấy rằng, những kết quả, thành tích đó là do có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, bình tĩnh, tỉnh táo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước; sự đồng tình, đoàn kết, ủng hộ của toàn thể nhân dân; sự vào cuộc và hoạt động tích cực của cả hệ thống chính trị, tất cả các ngành, các cấp, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác đối ngoại trong cả nước là lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân có vai trò quan trọng như hiện nay.

Trong chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có đồng chí Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, chúng tôi đánh giá cao đường lối, chủ trương, sách lược chung của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề ra Chiến lược xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2025 - kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã xác định chủ trương, đường lối đối ngoại; nguyên tắc đối ngoại nhằm đảo bảo và mang lại lợi ích cao nhất cho quốc gia, dân tộc Việt Nam anh em; định hướng công tác đối ngoại nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ; nhiệm vụ cơ bản của công tác đối ngoại nhằm tiếp tục vai trò tiên phong trong bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, không ngừng nâng cao vị thế của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên diễn đàn khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, tại Hội nghị công tác đối ngoại toàn quốc trong triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 14/12/2021, Đảng, Nhà nước Lào đánh giá cao ý kiến chỉ đạo Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 6 nhóm vấn đề là mục tiêu, nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng đầy vẻ vang trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như đường lối đối ngoại của Việt Nam đạt mục tiêu đề ra.

Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào luôn luôn ủng hộ đường lối đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đề ra trong từng giai đoạn, đồng thời ủng hộ, hỗ trợ trong việc đưa ra ý kiến, quan điểm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; khẳng định rằng “luôn luôn kiên định và sẽ cùng với các đồng chí Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện đời đời bền vững”.