Hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam-Hàn Quốc đã và đang đứng trước những triển vọng to lớn để phát triển hơn nữa trong nhiều năm tới.
Những yếu tố quan trọng
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, việc xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua phát triển KH&CN đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Hàn Quốc mà cả Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo hai phía Việt Nam-Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm trong Lễ gắn biển tên tại VKIST. (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Hàn Quốc tiếp tục là quốc gia thuộc nhóm đứng đầu thế giới về trình độ phát triển KH&CN. Hàn Quốc đã làm chủ và đang vươn lên nhóm 10 thế giới trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như: Điện tử, thông tin, đóng tàu, chất bán dẫn, hóa chất, màn hình, smartphone, ô tô…; đã làm chủ hầu hết các lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường... và đã phát triển thành công nhiều công nghệ mới như: công nghệ tên lửa, chế tạo và vận hành thành công xe tự lái, công nghệ in 3 chiều mực điện tử sử dụng ống nano carbon và hạt nano bạc, phóng thành công vệ tinh Mugunghwa 5A, phát triển và vận hành rộng rãi mạng 5G…
Trong bối cảnh đó, thúc đẩy hợp tác KH&CN với Hàn Quốc là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai nước.
Đà phát triển mạnh mẽ
30 năm qua, hợp tác KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, đi vào chiều sâu và thực chất. Hai bên đã phối hợp thực hiện nhiều đề tài hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ môi trường, công nghệ nano, công nghệ khí hậu, y dược học,...Ngoài ra, hai bên cũng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu khoa học giữa hai nước như cử cán bộ sang đào tạo tại Hàn Quốc, tổ chức hội thảo, trao đổi thông tin. Nhiều nghiên cứu chung đã đưa ra hướng nghiên cứu mới, sáng tạo, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn ở Việt Nam, mang lại giá trị gia tăng và đột phá về khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, công nghệ số là một trong lĩnh vực hợp tác có tác động lan tỏa rộng lớn về mọi phía. Hai bên đang hợp tác triển khai dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số thông qua xây dựng Hệ thống phân tích thông tin KH&CN dựa trên dữ liệu lớn” với mục tiêu tổng thể là góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo số và nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam.
Toàn cảnh Viện VKIST. (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Đặc biệt, Dự án Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) là dự án ODA không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam trên cơ sở Thỏa thuận chung giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc đồng chủ quản, với mục tiêu giúp Việt Nam thành lập một viện KH&CN đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại Việt Nam.
Hiện Viện đang tập trung vào 4 định hướng nghiên cứu lớn gồm Công nghệ sinh học (BT), Công nghệ thông tin (IT), Cơ điện tử và Công nghệ tích hợp IT-BT; đồng thời dự kiến mở rộng sang các lĩnh vực nghiên cứu mới như vật liệu tiên tiến, công nghệ môi trường, kỹ thuật y sinh và công nghệ sau thu hoạch.
Bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến thành quả phát triển của VKIST, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, tháng 10/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã nhấn mạnh: “Thành công của VKIST đạt được không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn là niềm tự hào của Hàn Quốc”. Ông cũng khẳng định Hàn Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ sự lớn mạnh và phát triển bền vững của VKIST trong tương lai.
Việt Nam và Hàn Quốc đã có những hợp tác chặt chẽ trên cương vị đối tác chiến lược toàn diện, có những bước phát triển với sự nỗ lực của cả hai phía trong đó có sự đóng góp không nhỏ của KH&CN.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin và đoàn đại biểu Việt Nam – Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại VKIST, tháng 10/2022. (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhằm cùng giải quyết các vấn đề mang tính chất toàn cầu như hợp tác nghiên cứu công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực, công nghệ lõi của cách mạng công nghiệp 4.0; đồng tổ chức hội thảo thúc đẩy hợp tác KH&CN trong các lĩnh vực công nghệ mới; chia sẻ thông tin về chính sách và kinh nghiệm trong: đổi mới sáng tạo số và chuyển đối số, công nghệ trong y học hiện đại và y học cổ truyền.
Hai bên cũng cùng nhau nỗ lực đẩy mạnh và đi vào chiều sâu các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ trong đó chú trọng các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, Chương trình PPH và đặc biệt phối hợp theo đuổi, vận động ODA không hoàn lại cho các dự án nâng cao năng lực quản trị cơ quan sở hữu trí tuệ và hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam; hợp tác chia sẻ bài học kinh nghiệm, kết nối và hình thành mạng lưới các vườn ươm (incubator và acccelerator) có chất lượng cao tại Việt Nam; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp, tập đoàn của Hàn Quốc… Đặc biệt, hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai Dự án VKIST giai đoạn 2.
Cùng với quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ cũng không ngừng phát triển, góp phần tích cực vào phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Kết quả hợp tác khoa học và công nghệ còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ hai nước, rất cần nhận được sự nỗ lực và quan tâm của cả hai nước trong thời gian tới.
* Bài viết đăng trên Đặc san 30 năm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc do Báo Thế giới & Việt Nam thực hiện.