📞

Tháp Phú Diên, di sản kiến trúc quý ở Thừa Thiên Huế

17:39 | 03/07/2024
Tháp Phú Diên ở Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa cổ nhất còn tồn tại ở khu vực miền Trung.
Mang nhiều giá trị lịch sử văn hóa, tháp Phú Diên ở Thừa Thiên Huế đã được công nhận là Di tích quốc gia ngay sau khi phát lộ. (Nguồn: VNE)

Tháp Phú Diên tình cờ được phát hiện vào ngày 18/4/2001, khi nhóm công nhân khai thác khoáng sản tìm thấy một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát tại thôn Mỹ Khánh, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).

Sự kiện này ngay lập tức được các cơ quan chức năng quan tâm, mở ra một hành trình bảo tồn, nghiên cứu đầy thử thách, nhưng rất đáng tự hào.

Tháp Phú Diên có kiến trúc hình chữ nhật, dài 8,22 m, rộng 7,12 m, với các cấp bậc nhỏ dần lên phía trên. Theo các nhà khảo cứu, đây là kiểu kiến trúc tháp lùn và là nhóm tháp đầu tiên của kiến trúc gạch Champa trước khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu bền vững.

Tháp cổ độc đáo này khi ấy nằm vùi sâu trong lòng cát 5-7 m, thấp hơn mực nước biển 3-4 m và chỉ cách mép nước biển 120 m.

Công trình hiện được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên. (Nguồn: VNE)

Những nghiên cứu hiện tại xác định niên đại tháp có từ thế kỷ thứ VIII, nên đây là một trong những công trình cổ nhất trong số tháp Chăm còn lại trên dọc dải đất miền trung Việt Nam. Tháp không chỉ mang giá trị kiến trúc độc đáo mà còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử về nền văn hóa Champa xưa.

Sự giản dị nhưng tinh tế trong thiết kế của tháp phản ánh phong cách kiến trúc, tôn giáo khá độc đáo. Trải qua quãng thời gian bị vùi lấp trong cát, hiện tại, công trình được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên.

Cách 5m phía trước cửa chính của tháp có một bệ thờ được xây hình khối vuông bằng chất liệu gạch với kỹ thuật mài xếp liền khít cao 1,4 m, cạnh dài 1,38 m. Các nhà nghiên cứu cho rằng trước kia đây là nơi đặt tượng thờ. (Nguồn: VNE)

Trong lòng tháp, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật quan trọng như bệ đặt linga (thể hiện đặc tính dương), yoni (tính âm) minh chứng cho việc thờ cúng của dân tộc Chăm xưa. Những bình gốm được tìm thấy cũng cho thấy sự tinh xảo và phát triển của nghề gốm thời bấy giờ.

Trong lòng tháp nhìn từ lối vào, ở bên trong có một bệ thờ. (Nguồn: VNE)

Quá trình bảo tồn tháp Phú Diên hơn 20 năm qua không chỉ bảo vệ một di sản kiến trúc quý giá mà còn là một điểm đến quan trọng cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu về di sản văn hóa Champa. Đây cũng là một minh chứng sống động cho sự giàu có và đa dạng của nền văn hóa Việt Nam.

Cũng trong năm phát hiện 2001, tháp Phú Diên lập tức được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Những khối xây dựng đã bị biến dạng nhiều do thời gian và tác động của thiên nhiên sau nhiều thế kỷ. (Nguồn: VNE)

Hơn 20 năm sau, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã xác lập kỷ lục Thế giới dành cho tháp Phú Diên với tiêu chí “Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

(theo Nhân dân)