Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai gần 50.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao tại một số vị trí ở Đông Ladakh. (Nguồn: Reuters) |
Ông Jaishankar nhấn mạnh, Trung Quốc đã triển khai hàng vạn binh sĩ được chuẩn bị sẵn sàng hoàn toàn về quân sự đến khu vực biên giới trên thực tế và dĩ nhiên mối quan hệ sẽ bị xáo trộn sâu sắc.
"Sự vi phạm các thỏa thuận song phương như vậy đã làm tổn hại đáng kể mối quan hệ song phương vốn đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong 30-40 năm qua”, Ngoại trưởng Ấn Độ nói.
Cũng theo Ngoại trưởng Ấn Độ, vụ đụng độ đẫm máu ở Galwan hồi giữa tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định binh lính Trung Quốc thiệt mạng, đã làm thay đổi hoàn toàn tình cảm dân tộc của Ấn Độ với Trung Quốc. Ông Jaishankar lưu ý, lần gần nhất hai bên có thương vong ở biên giới là vào năm 1975.
Dù đã trải qua 8 vòng đàm phán cấp chỉ huy quân sự kể từ thời điểm bùng phát xung đột, mỗi nước vẫn tiếp tục triển khai gần 50.000 binh sĩ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao tại một số vị trí ở Đông Ladakh, giữa thời tiết giá lạnh dưới 0 độ.
Mới đây, Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch cùng Ấn Độ phát hành chung bộ tem đánh dấu kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương
Trong khi đó, cùng ngày, Tổ chức Hợp tác về Quốc phòng-An ninh Ấn Độ (DSCA) công bố báo cáo cho thấy, New Delhi đã chi khoảng 3,4 tỷ USD mua vũ khí của Mỹ trong năm 2020.
Trước đó, hồi đầu năm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, New Delhi sẽ chi khoảng 3 tỷ USD để mua các thiết bị quân sự tân tiến của Mỹ.
Trong 10 năm qua, Ấn Độ đã chi tiền để mua vũ khí từ nước ngoài nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, Nga lại là nguồn cung vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ. Kể từ năm 2000, Nga bán khoảng 35 tỷ USD vũ khí cho Ấn Độ, chiếm hơn 2/3 trong tổng số 51 tỷ USD Ấn Độ đã bỏ ra để mua vũ khí từ nước ngoài.