Trao đổi với phóng viên TG&VN, ông Bhichai Rattakul cũng cho rằng, Việt Nam và Thái Lan có thể trao đổi các vấn đề nóng hiện nay, như vấn đề Biển Đông, trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN (AC) để cùng hướng đến giải pháp tốt nhất.
Ông Bhichai Rattakul trả lời phỏng vấn phóng viên TG&VN. (Nguồn: TS) |
Ông và cố Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh đã ký Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thái Lan vào ngày 6/8/1976, tại Hà Nội. Sự kiện này diễn ra chỉ một, hai năm sau khi những chiếc máy bay Mỹ cất cánh từ những căn cứ quân sự Thái Lan tới tàn phá Việt Nam. Vậy, cơ sở đối ngoại nào đã khiến Chính phủ Thái Lan thay đổi quan điểm trong quan hệ với Việt Nam?
Thái Lan đã đồng ý đứng về phía Mỹ chống lại chính quyền Miền Bắc Việt Nam và đổi lại, người Mỹ sẽ viện trợ cho Thái Lan. Nhưng tôi muốn nhắc lại ở đây rằng, khi đó, chính quyền quân sự đang cầm quyền ở Thái Lan. Đất nước chúng tôi đang phải gánh chịu chế độ độc tài. Không ai được phép tranh cãi.
Tôi cực lực phản đối việc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Rusk và người đồng cấp Thái Lan Thanat Khoman thời đó ký Tuyên bố chung tháng 3/1962 về việc Mỹ cam kết hỗ trợ và bảo vệ Thái Lan trước "nguy cơ xâm lược" của Cộng sản. Bởi vì điều đó có nghĩa, Thái Lan sẽ nằm dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Tôi đã liên tục phản đối và có cuộc tranh luận gay gắt với Bộ trưởng Ngoại giao Thanat Khoman tại Quốc hội.
Khi trở thành Bộ trưởng Ngoại giao, tôi tuyên bố rõ ràng rằng, Thái Lan sẽ thực hiện chính sách đối ngoại thân thiện với tất cả các nước láng giềng như Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar... Nước Mỹ ở cách Thái Lan quá xa, bởi vậy, chúng ta cần thân thiện hơn với các nước láng giềng. Đó là chính sách đầu tiên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng những người láng giềng phải là những người bạn tốt của nhau. Tư duy đó là cơ sở để tôi đề ra phương châm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.
Từ tư duy đến hành động có lẽ không dễ dàng, thưa ông?
Lúc đó, với tư cách là Đảng viên đảng Dân chủ, một chính trị gia, tôi thấy được rằng mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng có ý nghĩa sống còn đối với Thái Lan. Và tôi nỗ lực triển khai chính sách trên, dù không dễ dàng. Nội bộ Thái Lan phải đấu tranh với nhau, Cánh hữu cho rằng chế độ Xã hội Chủ nghĩa không có gì tốt đẹp, các bạn láng giềng không tốt. Chúng tôi đã phải tranh đấu với họ, với cả bên ngoài, trong đó có Mỹ. Lúc đó không ai nghĩ sẽ có một ngày Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành thành viên của ASEAN, nhưng điều không thể ấy đã trở thành hiện thực.
40 năm đã trôi qua và quan hệ giữa hai nước chúng ta đang bước sang một trang sử mới, sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai.
Tôi cho rằng, thời gian tới, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế. Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đều sản xuất gạo, nếu chúng ta cạnh tranh với nhau hoàn toàn không có lợi, vì vậy, rất cần sự hợp tác song phương và đa phương về lĩnh vực này.
Việt Nam và Thái Lan đều là thành viên Cộng đồng ASEAN (AC), ông nhận định như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ này?
Tương lai ASEAN trở thành một cộng đồng kinh tế chung như Liên minh châu Âu (EU) sẽ rất xa vời và hành trình đó không hề đơn giản. Nhưng AC là một khuôn khổ tốt để chúng ta thúc đẩy quan hệ trên nhiều phương diện và trao đổi các vấn đề nóng hiện nay như vấn đề Biển Đông. Bản thân Việt Nam cũng có thể trao đổi với Thái Lan về vấn đề Biển Đông để chúng ta cùng hướng đến giải pháp tốt nhất.
Chủ nhật vừa qua, ở Thái Lan diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về bản Dự thảo Hiến pháp mới. Những thay đổi trong chính trường Thái Lan liệu có ảnh hưởng tới quan hệ hai nước, thưa ông?
Hiện nay, tôi không còn là chính trị gia, chính khách, nhưng với tư cách là một công dân Thái, tôi nhận thấy cuộc trưng cầu dân ý trên là mong muốn của lực lượng quân đội đang nắm quyền. Dự thảo Hiến pháp mới nhận được sự đồng thuận trên 60% cử tri, nhưng mọi câu trả lời vẫn còn ở tương lai. Dầu vậy, điều này hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới quan hệ hai nước.
“Dự thảo Hiến pháp mới sẽ tiếp tục được cân nhắc và trình lên nhà Vua Thái Lan. Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào khoảng thời gian này năm tới. Theo tôi, kết quả của cuộc trưng cầu cho thấy người dân Thái Lan đang mong ngóng một nền hòa bình, ổn định. Đã đến lúc chúng tôi phải cùng nhau khôi phục nền kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề đất nước đang phải đối mặt. Đất nước ổn định, chúng tôi có thể dành thời gian để đề ra lộ trình phát triển trong tương lai. Những thay đổi trong nội bộ Thái Lan sẽ tác động tới quan hệ Việt Nam – Thái Lan một cách tích cực”, Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Manopchai Vongphakdi. |