📞

Thầy giáo mặc áo dài đến trường và sự thật phía sau

Hải Nguyên 10:10 | 08/03/2022
Những hình ảnh của thầy Hồ Phan Ngọc (giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trong trang phục áo dài truyền thống dành cho phái nữ cùng nón lá sau khi được chia sẻ đã hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Thầy giáo Hồ Phan Ngọc mặc áo dài dành cho phái nữ đến trường. (Nguồn: Vietnamnet)

Sau khi bức ảnh được đăng tải, nhiều học sinh bày tỏ trầm trồ về sự thú vị, “dám vào vai” của thầy giáo.

Nhiều học sinh cũng nhận ra giáo viên dạy bộ môn Giáo dục công dân của trường mình.

Những hình ảnh thầy giáo mặc áo dài, đội nón lá càng được quan tâm hơn trong bối cảnh gần ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Một số cũng không tiếc lời khen ngợi cho thầy giáo vì “không ngại xả thân” để ủng hộ ngày lễ của chị em.

Qua tìm hiểu, thầy giáo trong những bức ảnh là thầy Hồ Phan Ngọc, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân và cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12A8, Trường THPT Quỳnh Lưu 4.

Những hình ảnh này để tham gia cuộc thi “Khoảnh khắc tháng Ba” do Đoàn Trường THPT Quỳnh Lưu 4 phát động, nhằm hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” và kỷ niệm 112 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910-8/3/2022).

Cuộc thi nhằm phát động phong trào khuyến khích các nữ giáo viên, công nhân viên mặc áo dài hưởng ứng các sự kiện trong tháng 3, qua đó cũng có thể lưu giữ nhiều hơn những khoảnh khắc đẹp của nữ giáo viên, công nhân viên nhà trường.

Đại diện Trường THPT Quỳnh Lưu 4 cho hay, nội dung của cuộc thi là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc dạy học hoặc làm việc của nữ giáo viên trong nhà trường.

“Đối tượng tham gia là các nữ giáo viên của nhà trường. Nếu lớp có giáo viên chủ nhiệm là nữ thì các cô sẽ tham gia, lớp nào mà do thầy giáo chủ nhiệm thì có thể nhờ các cô giáo bộ môn hỗ trợ.

Nhưng vì lớp thầy Ngọc tham gia muộn, khi đó, các nữ giáo viên bộ môn cũng đã được các lớp khác nhờ hết, nên thầy “bất đắc dĩ” đứng ra mặc áo dài thay các cô để cùng lớp tham gia cuộc thi.

Mục đích của thầy Ngọc cũng chỉ là muốn gửi thông điệp tốt đẹp, trân trọng nhất đến với các cô giáo và các nữ sinh của nhà trường nhân dịp 8/3”, đại diện nhà trường cho biết.

Vị này cũng cho hay, thực tế, sau khi những hình ảnh này được các trang mạng đăng tải lại nhưng không ghi rõ nội dung, khiến một số người không hiểu tính chất nên cũng có bình luận tiêu cực.

“Thầy Ngọc tham gia với suy nghĩ hưởng ứng phong trào, tất cả vì hoạt động của lớp, vì học sinh nhưng một số người có thể vì chưa hiểu nên đã có những bình luận không hay, thậm chí đã có những bình luận ác ý, khiến thầy Ngọc cũng có chút ngại”, vị này chia sẻ thêm.

Theo đại diện nhà trường, cuộc thi là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh và đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ cùng với những giá trị áo dài, nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc trong đời sống xã hội, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam.

(theo Vietnamnet)