📞

"Thầy giáo quân hàm xanh" - cõng con chữ trên biên giới

10:09 | 14/11/2017
"Các thầy không chỉ làm công việc cõng con chữ mà còn góp phần thiết thực đào tạo ra một thế hệ giàu tình yêu đất nước và đoàn kết để bảo vệ biên cương Tổ quốc". 

Đó là lời gửi gắm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại buổi gặp mặt cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu và các em học sinh mang tên “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017 được tổ chức sáng 13/11, tại Hà Nội.

Đây là năm thứ ba Trung ương Đoàn tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với mục đích tuyên dương người tốt việc tốt, lan tỏa những tấm gương điển hình tiêu biểu trong ngành giáo dục đào tạo.

Tham dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long và 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tiêu biểu, cùng 30 em học sinh được các đồn biên phòng nhận nuôi dạy.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT đến các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Nỗ lực gieo chữ

Nhân dịp đặc biệt này, 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ thực tế công tác thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường” tại địa phương. Các đại biểu chia sẻ về khát khao con chữ của người dân các địa phương vùng biên giới Tổ quốc cũng như nỗ lực "gieo chữ" của các "thầy giáo quân hàm xanh".

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Trong điều kiện đất nước vẫn còn khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, rất nhiều em học sinh chưa có điều kiện đến trường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Sự hỗ trợ tích cực của các thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã giúp các em có điều kiện đến trường, tiếp cận tri thức. Qua đó, tạo tình cảm gắn bó sâu đậm tình quân dân nơi phên dậu của Tổ quốc, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà”.

Thiếu tá Phạm Công Khanh, cán bộ Đồn biên phòng huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Khi nhận nhiệm vụ tại địa phương, tôi thấy các em nhỏ còn khó khăn thiếu thốn, từ miếng cơm manh áo cho tới con chữ. Do đó, tôi đã đề xuất với cán bộ chỉ huy Đồn xây dựng kế hoạch giúp đỡ thiết thực nhất cho các em. Trong điều kiện công tác hạn hẹp, tôi đã giúp đỡ được cho 6 em học sinh, đứng giảng dạy ở hai lớp xóa mù chữ".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen cho các cán bộ, chiến sĩ có đóng góp lớn cho ngành giáo dục nước nhà. (Ảnh: Mai Châm)

Chia sẻ nguyện vọng của mình, Thiếu tá Khanh nói: "Tôi mong muốn nhận được sự chung tay giúp đỡ của Nhà nước nhiều hơn nữa để cho các em có điều kiện đến trường. Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn các cấp lãnh đạo có chính sách quan tâm, triển khai các lớp xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu vùng xa, bởi đây là nguyện vọng của rất nhiều đồng bào”.

Tại buổi gặp mặt, đại diện cho cán bộ, chiến sĩ ở Tây Nguyên, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng ban Vận động quần chúng Bộ đội biên phòng Đắk Lắk cho biết: “Trong quá trình công tác nơi biên giới, tôi nhận thấy đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là công tác giáo dục. Hiện tại, chúng tôi đã tổ chức được một lớp xóa mù chữ tại địa bàn. Tuy nhiên, qua các hoạt động, tôi nhận thấy còn tồn tại nhiều vấn đề như hoàn cảnh của các em hết sức khó khăn, không có phương tiện để đi học...".

Chứng kiến những khó khăn ấy, Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc đã huy động nguồn lực và trích thu nhập cá nhân để mua tặng 96 xe đạp cũ, tự tay sửa xe để các cháu có phương tiện đi học.

"Tuy đây chỉ là những món quà nhỏ nhưng tôi nghĩ đã phần nào thể hiện được tình cảm của chiến sĩ biên phòng đối với các em" - Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc tâm sự.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đồng Tháp là tỉnh có 8 xã biên giới đặc biệt khó khăn. Từ năm 2011, chúng tôi đã thực hiện chương trình dạy học, đỡ đầu cho các em học sinh đặc biệt khó khăn. Hiện tại, đơn vị đang nhận đỡ đầu cho 6 em mồ côi cha mẹ, sống với người thân. Chúng tôi đỡ đầu cho các em cho đến hết chương trình phổ thông".

Bày tỏ nguyện vọng với Bộ trưởng, Thiếu tá Nguyễn Vũ Hợp cho biết: "Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT có chính sách phát triển chương trình giáo dục, cơ sở vật chất học tập để cho các em có điều kiện học tập, không thiệt thòi so với các bạn đồng trang lứa”.

"Cánh tay nối dài" của ngành giáo dục

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các "thầy giáo quân hàm xanh” và học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sự xúc động và cảm ơn đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ bộ đội cho sự nghiệp giáo dục.

Bộ trưởng nhận định: “Nhiệm vụ của các đồng chí không chỉ là nâng bước các em tới trường mà đây là một cơ hội rất tốt để các thầy có điều kiện đi sâu hơn vào đời sống đồng bào, là cơ hội để các cháu được học tập. Các thầy không chỉ làm công việc “cõng con chữ” mà còn góp phần thiết thực đào tạo ra một thế hệ giàu tình yêu đất nước và đoàn kết để bảo vệ biên cương Tổ quốc".

Những "thầy giáo mang quân hàm xanh" chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Mai Châm)

Gửi gắm đến các thầy cô và các em học sinh, Bộ trưởng xúc động nói: "Không phải ngẫu nhiên các chiến sĩ, bộ đội biên phòng được yêu thương gọi là những "nhà giáo quân hàm xanh". Tôi mong muốn các đồng chí tiếp tục khẳng định mình với nhiệm vụ ở tầm cao hơn, cùng chia sẻ khó khăn với các cháu. Chúng tôi sẽ hỗ trợ về chương trình và sách giáo khoa để các thầy thực hiện công việc dạy học, để công việc hỗ trợ giáo dục của các thầy có được hiệu quả cao hơn".

Tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phi Long cho biết, bên cạnh nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao cho là bảo vệ Tổ quốc, các đồng chí bộ đội biên phòng đã đóng góp sức mình cho công cuộc giáo dục đào tạo ở những địa bàn khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ, vào cuộc của lực lượng bộ đội biên phòng, công tác giáo dục đào tạo ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã có những đổi mới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các "thầy giáo quân hàm xanh",Bí thư Nguyễn Phi Longnhận định: "Có thể nói, các đồng chí bộ đội biên phòng chính là những "cánh tay nối dài" của ngành giáo dục đào tạo ở các vùng biên giới, hải đảo. Chính những hoạt động, cống hiến của các chiến sĩ đã và đang lan truyền, tan tỏa mạnh mẽ những hình ảnh tốt đẹp cho các bạn trẻ. Trong số 60 gương mặt, có những thầy cô đến từ Hà Giang, Cà Mau xa xôi, đã gắn bó từ nhiều năm trong công tác gieo con chữ ở các vùng miền xa xôi. Có những cán bộ, chiến sĩ đã phải tự bỏ tiền túi của mình ra để nuôi 5 đến 10 em ăn học. Đó thực sự là những hình ảnh tiêu biểu của anh bộ đội cụ Hồ, thể hiện tình quân dân gắn kết".

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là chương trình tôn vinh những chiến sĩ làm công tác dạy học, vận động các em học sinh đến trường, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới, hải đảo... được học sinh, phụ hynh và xã hội yêu mến, ghi nhận. Trong 2 năm 2015 và 2016, chương trình đã tuyên dương 106 thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ... công tác tại các trường học điểm lẻ ở 64 huyện nghèo, các đảo, huyện đảo.