📞

Thầy giáo Việt vượt qua khó khăn đem con chữ đến học sinh vùng cao Lào

VŨ AN 11:06 | 24/04/2022
Công tác tại Luang Namtha - tỉnh vùng cao phía Bắc Lào, thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc đã có những tháng ngày đáng nhớ khi vượt qua khó khăn đem con chữ đến các em học sinh Lào, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào.
Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc trên lớp học tại Lào.

Anh hẳn vừa có một cái Tết cổ truyền ấm áp trên nước bạn?

Có cơ duyên học tập, gắn bó và hiện đang giảng dạy tiếng Việt tại Lào, tôi đã được trải qua tám cái tết cổ truyền Bunpimay với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua mỗi năm.

Bunpimay là ngày tết lớn nhất trong năm của người Lào, diễn ra vào ngày 14, 15, 16 tháng Tư dương lịch hằng năm.

Trong dịp lễ này, rất nhiều các hoạt động văn hóa mang ý nghĩa riêng của dân tộc Lào như: lễ buộc chỉ cổ tay, đi chùa cầu bình yên, té nước với ý nghĩa cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở, mong bình an đến tất cả mọi người.

Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, quy mô và hoạt động của Tết Lào có phần lắng xuống. Người dân chỉ tổ chức đón mừng năm mới trong phạm vi hẹp của gia đình.

Năm nay, tôi được phân công công tác tại tỉnh Luang Namtha. Trong những ngày Tết vừa qua, tôi được gia đình, các thầy cô trong trường mời đến nhà của họ để cùng vui đón năm mới với gia đình, quy mô tuy nhỏ nhưng không kém phần ấm cúng. Tôi thực sự đã được hòa mình vào văn hóa của dân tộc Lào.

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phân công sang giảng dạy tại Lào vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công việc giảng dạy của anh có gặp khó khăn?

Có thể nói chưa khi nào công việc giảng dạy của tôi lại gặp khó khăn như hai năm vừa qua.

Tôi đã phải trải qua những đợt test Covid-19, cách ly y tế, vượt quãng đường gần 2.000km từ Việt Nam để sang đến điểm trường đang công tác. Đôi khi, đang giảng dạy, toàn trường phải tạm nghỉ vì có thầy cô hoặc học sinh trong trường nhiễm Covid-19.

Đây là năm vô cùng đặc biệt và nhiều khó khăn, nhưng vì yêu nghề, trách nhiệm với nghề, tôi cùng những giáo viên Việt đã vượt lên tất cả để đem con chữ đến cho các em học sinh Lào, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào.

Đâu là những trải nghiệm khó quên của anh khi công tác ở vùng cao nước bạn?

Luang Namtha là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa của Lào. Ở đây, tôi được tiếp xúc với các em học sinh cũng như người dân các dân tộc thiểu số như Mu xơ, A Kha, Khơ Mụ…

Quãng thời gian này đã cho tôi có những trải nghiệm quý giá mà đời người không dễ gì có được. Đó là được sống trong một nền văn hóa mới, được ăn cơm, đi nương rẫy, được dạy các em học sinh những điều mới mẻ.

Đặc biệt, thời gian công tác cho tôi thấy sự khó khăn, vất vả của học sinh cũng như người dân nơi đây. Tôi cũng đã đứng ra kêu gọi và đón nhận rất nhiều đồ dùng, quần áo, đồ ăn… từ các nhà hảo tâm, những người thân quen với tổng số tiền gần 200 triệu đồng để trao cho các em học sinh và các hộ gia đình khó khăn.

Qua những ngày tháng sống và làm việc tại đây, tôi cảm nhận được sự chân thành của bà con. Mọi người rất quý mến và dành nhiều tình cảm cho tôi. Bà con có rau, có cá, có gà đều mang tới cho. Tôi được sống trong tình yêu thương của mọi người, mọi khoảng cách địa lý, văn hóa như được xóa nhòa.

Thầy Ngọc với hoạt động thiện nguyện giúp học sinh và người dân Lào.

Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại cùng những động lực giúp anh tâm huyết với nghề gieo chữ Việt ở xứ người?

Là một thầy giáo Việt Nam được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tuyển chọn và cử sang Lào giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt, tôi rất vinh dự và cũng hiểu được trách nhiệm của mình trong việc thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị hai nước. Tôi luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt công việc được giao.

Hiện tại tôi được phân công giảng dạy tám lớp cấp ba (lớp 11 và 12) và còn được phân công dạy một lớp cán bộ huyện.

Bên cạnh công việc giảng dạy tôi cố gắng làm thêm hoạt động xã hội.

Tôi đến các bản làng, các trường học, ở vùng sâu vùng xa để trao tặng cho các em học sinh quần áo, đồ dùng học tập mình quyên góp được.

Tôi cũng tham gia các hoạt động sinh hoạt đời sống của người dân để tìm hiểu và hòa nhập với họ.

Những năm tháng xa quê hương, công tác tại nước bạn Lào, tất cả những công việc nói trên mang lại cho tôi niềm vui và sự trải nghiệm của tuổi trẻ mà không phải ai cũng dễ dàng có được.

Mong rằng những đóng góp nhỏ bé của tôi sẽ góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Nam-Lào ngày càng thêm bền chặt!

(thực hiện)